Mỹ và Trung Quốc chính thức áp thuế lên thêm 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của nhau bắt đầu từ ngày 23/8. Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc mạnh hơn ngay trong năm tới.
Theo kế hoạch, gói thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực lúc 0 giờ ngày 23/8 giờ Bắc Kinh, trong đó 279 dòng sản phẩm của Trung Quốc sẽ bị áp mức thuế mới 25%, bao gồm các sản phẩm như hóa chất, thiết bị nông nghiệp, xe máy, ăng-ten…
Trung Quốc dự kiến sẽ đáp trả bằng cách đánh thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, trong đó có than đá, dụng cụ y tế, xe hơi, xe buýt…
Theo BBC, đợt đánh thuế thứ hai diễn ra khi các quan chức của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu tiến hành các cuộc đối thoại mới tại Washington. Họ sẽ có 2 ngày đàm phán thương mại ở cấp thấp, nhưng ít có hy vọng về một bước đột phá.
Cộng với đợt đánh thuế 34 tỷ USD lần đầu từ ngày 6/7, lần đánh thuế này đưa tổng số hàng hóa của 2 nước bị áp thuế lên mức 50 tỷ USD.
Cuộc chiến thương mại leo thang dự kiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp và nền kinh tế của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nhà phân tích dự báo cuộc chiến thuế quan sẽ khiến kinh tế Trung Quốc khó cưỡng được đà giảm tốc vốn đã có xu hướng trở nên tồi tệ trong những năm qua.
Một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg với 16 chuyên gia phân tích kinh tế dự báo cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ khiến tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 0,2% trong năm 2018 và giảm tiếp 0,3% vào năm 2019.
Dự báo này căn cứ vào giả thiết Mỹ sẽ tăng lượng hàng hóa áp thuế đối với Trung Quốc lên 200 tỷ USD như Tổng thống Donald Trump từng đe dọa, và Trung Quốc sẽ trả đũa bằng việc áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ.
Theo chuyên gia kinh tế Iris Pang tại ngân hàng ING Bank NV có trụ sở ở Hồng Kông, cuộc chiến thương mại không chỉ gây phương hại cho hoạt động xuất khẩu, nó còn phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà máy của Trung Quốc sẽ không muốn đầu tư hoặc mở rộng thêm.
Kinh tế Trung Quốc hiện có quy mô khoảng 12 nghìn tỷ USD. Căng thẳng thương mại với Mỹ dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn tới kế hoạch tăng trưởng kinh tế gấp đôi của Trung Quốc trong vòng 10 năm, tính đến năm 2020.
Hiện tại, Trung Quốc đã tung ra một loạt các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế. Tuy nhiên, nếu Mỹ quyết định áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh sẽ lại phải đẩy mạnh kích thích tài khóa và nới lỏng tiền tệ, gây rủi ro lớn hơn cho một thị trường vốn đã có đống nợ phình to.
Về phía Mỹ, một số tổ chức ngành cho rằng cuộc chiến thương mại có thể sẽ khiến các doanh nghiệp buộc phải tăng giá hàng hóa đối với người tiêu dùng do chi phí nhập khẩu tăng.
Các hãng sản xuất ô tô của Mỹ đặc biệt lo lắng, cho rằng các chính sách thương mại thay đổi sẽ ảnh hưởng xấu tới kết quả hoạt động của họ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế tháng trước đánh giá các biện pháp thuế quan của Mỹ và Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng GDP toàn cầu giảm bớt 0,5% vào năm 2020.
Minh Tuệ