Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dệt may của Việt Nam là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
BVSC cho rằng việc chính phủ Mỹ tăng thuế lên mặt hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cũng như các công ty nội địa Trung Quốc có động cơ mạnh hơn để chuyển các đơn hàng và hoạt động sản xuất mặt hàng may mặc sang các nước khác để “né” mức thuế suất tăng cao.
Do đó, các quốc gia có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực may mặc như Việt Nam, Bangladesh và Campuchia sẽ được hưởng lợi khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang căng thẳng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017, Mỹ đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu dệt may sang thị trường này đạt kim ngạch 12,2 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong cả năm. Hiện các sản phẩm dệt may của Việt Nam vào Mỹ chịu mức thuế từ 8-10%, thấp hơn nhiều so với hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ.
Theo BVSC, dệt may của Việt Nam là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nhờ hai khía cạnh.
Thứ nhất là đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD, qua đó Nhân dân tệ cũng mất giá so với đồng VND, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn.
Thứ hai là các ngành dệt may của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, chia sẻ trên Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo CTCP Sợi Thế Kỷ cho biết hiện ngành may Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nguyên phụ liệu của Trung Quốc. Điều này sẽ gây bất lợi cho sự phát triển của dệt may của Việt Nam, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như EVFTA, CPTPP… đều yêu cầu nguyên phụ liệu không xuất xứ từ Trung Quốc.
Cũng theo vị này, nếu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang và kéo dài, các nhà nhập khẩu từ Mỹ cũng sẽ hạn chế sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc từ Trung quốc để tránh rủi ro. Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt cần chủ động đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu, phụ liệu, đảm bảo quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại.
(Tổng hợp)