Kinh tế Việt Nam đã có một tăng trưởng vượt kế hoạch, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2016.
Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2017 được Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy quy mô GDP của Việt Nam năm 2017 ước đạt 5,01 triệu tỷ đồng (tính theo giá hiện hành), tăng so với mức 4,5 triệu tỷ đồng của năm 2016.
Con số trên đồng nghĩa với việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,81% năm 2017, cao hơn so với mục tiêu đề ra là 6,7% và là tốc độ tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2016.
GDP tăng trưởng mạnh lên theo từng quý, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28%, quý III tăng 7,46% và quý IV tăng 7,65%.
Đóng góp nhiều nhất cho mức tăng trưởng của nền kinh tế là khu vực dịch vụ với 2,87 điểm phần trăm, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,77 điểm phần trăm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Năm 2017, GDP bình quân đầu người của Việt Nam ước đạt 53,5 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.
Theo Tổng cục Thống kê, điểm đáng chú ý trong năm nay là khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế. Tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân đã đạt mức 40,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng so với mức 38,7% của năm 2015, cho thấy khu vực này có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng và giúp nền kinh tế bớt phụ thuộc vào khu vực nhà nước và khu vực FDI.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 ước đạt 1.667,4 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 12,1% so với năm 2016 và bằng 33,3% GDP. Trong số đó, đầu tư vốn khu vực nhà nước đạt 594,9 nghìn tỷ đồng, khu vực tư nhân 676,3 nghìn tỷ đồng, và khu vực FDI đạt 396,2 nghìn tỷ đồng.
Năm 2017, Việt Nam ước đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khoảng 213,77 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt 211,1 tỷ USD, tạo ra mức thặng dư 2,67 tỷ USD.
Minh Tuệ