Liên minh Oxfam ngày 22/1 cho biết 1% dân số giàu nhất thế giới đã chiếm tới 82% tổng số tài sản được tạo ra vào năm ngoái, trong khi một nửa số người nghèo nhất không nhận được gì.
Một báo cáo mới từ tổ chức này cũng cho thấy rằng tỷ lệ tài sản của các tỷ phú so với người lao động bình thường đã tăng gấp 6 lần kể từ năm 2010, theo Japan Today.
Oxfam sử dụng khảo sát để vẽ ra bức tranh về một nền kinh tế toàn cầu, trong đó số ít những người giàu có kiếm được nhiều tiền hơn trong khi hàng trăm triệu người “đang phải vật lộn để sống sót”.
Giám đốc điều hành Oxfam Winnie Byanyima cho biết: “Sự bùng nổ tỷ phú không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế thịnh vượng, mà là một dấu hiệu của một nền kinh tế thất bại”.
Oxfam cũng nhấn mạnh thực trạng của lao động nữ, họ luôn kiếm được ít tiền hơn nam giới và thường có mức lương thấp nhất. Họ cũng có ít công việc an toàn nhất. Chín trong số 10 tỷ phú đều là nam giới.
Báo cáo có tiêu đề “Khen thưởng công việc, không phải của cải” đã sử dụng dữ liệu từ Credit Suisse để so sánh lợi nhuận giữa các giám đốc điều hành, các cổ đông với những người lao động phổ thông.
Cũng theo báo cáo, tổng thu nhập các giám đốc điều hành của 5 thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới trong 4 ngày làm việc bằng tổng thu nhập của công nhân may mặc ở Bangladesh kiếm được trong suốt cuộc đời họ.
Ông Byanyima nhận định: “Những người may quần áo cho chúng ta, lắp ráp điện thoại cho chúng ta và trồng thực phẩm cho chúng ta đang bị khai thác để đảm bảo cung cấp hàng hóa giá rẻ và tăng lợi nhuận cho các tập đoàn và các nhà đầu tư tỷ phú”.
Để chống lại bất bình đẳng ngày càng tăng, Liên minh Oxfam kêu gọi các chính phủ hạn chế lợi ích của các cổ đông và các nhà quản lý hàng đầu, chống lại việc tránh đánh thuế và tăng chi ngân sách cho y tế và giáo dục.
Khảo sát này đã được công bố một ngày trước khi diễn ra cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay tại Thụy Sĩ. Diễn đàn năm nay sẽ tập trung vào cách làm thế nào để tạo ra “một tương lai chung trong một thế giới bị rạn nứt”.
An Bình