Đại Kỷ Nguyên

Năm 2017: Việt Nam xuất siêu 2,7 tỷ USD, Trung Quốc không còn là thị trường nhập siêu lớn nhất

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 400 tỷ USD. (Ảnh: Indochinapost)

Dù nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhưng quốc gia láng giềng này năm 2017 đã không còn là thị trường nhập siêu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam nữa, thay vào đó là Hàn Quốc.

Báo cáo do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2017  ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước – mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Trong số đó, khu vực kinh tế trong nước đạt kim ngạch 58,5 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 155,2 tỷ USD (kể cả dầu thô).

Trong số các mặt hàng chủ lực, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 45,1 tỷ USD, nới rộng khoảng cách so với dệt may khi mặt hàng này đạt kim ngạch 25,9 tỷ USD. Xuất khẩu điện tử, máy tính cũng đạt 25,9 tỷ USD, còn xuất khẩu giày dép đạt 14,6 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Mỹ tiếp tục là thị trường dẫn đầu với kim ngạch đạt 41,5 tỷ USD (tăng 8% so với năm 2016), tiếp đến là EU đạt 38,3 tỷ USD (tăng 12,8%). Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh với mức tăng 60,6%, đạt 35,3 tỷ USD.

Các thị trường xuất khẩu lớn khác là ASEAN với kim ngạch đạt 21,7 tỷ USD (tăng 24,5%), Nhật Bản đạt 16,8 tỷ USD (tăng 14,2%) và Hàn Quốc đạt 15 tỷ USD (tăng 31,1%).

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 58,5 tỷ USD (tăng 16,9% so với năm 2016), tiếp đến là Hàn Quốc với 46,8 tỷ USD (tăng 45,5%), ASEAN với 28 tỷ USD (tăng 16,4%), Nhật Bản với 16,5 tỷ USD (tăng 9,7%), EU với 12 tỷ USD (tăng 7,7%) và Mỹ với 9,1 tỷ USD (tăng 4,9%).

Với giá trị trên, Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với 31,8 tỷ USD, tăng 53,4% so với năm 2016. Điều này chủ yếu là do Tập đoàn Samsung đã mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam trong năm 2017, nên nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị và linh kiện phục vụ gia công lắp ráp tăng cao.

Trung Quốc ở vị trí thứ hai với mức nhập siêu 23,2 tỷ USD, giảm 17,4%. Nhập siêu từ ASEAN cũng giảm 6% còn 6,3 tỷ USD.

Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất siêu lớn nhất khi Việt Nam đạt thặng dư 32,4 tỷ USD với thị trường này (tăng 9% so với năm 2016), tiếp đến là EU với 26,3 tỷ USD (tăng 15%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2017 của Việt Nam ước đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước, trong đó khu vực trong nước đạt 84,7 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 126,4 tỷ USD.

Nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước tăng so với năm trước, trong đó nhập khẩu điện tử, máy tính đạt 37,5 tỷ USD (tăng 34,4%); nhập khẩu máy móc thiết bị đạt 33,6 tỷ USD (tăng 17,9%); nhập khẩu điện thoại và linh kiện đạt 16,2 tỷ USD (tăng 53,2%); nhập khẩu vải đạt 11,4 tỷ USD (tăng 9,2%).

Tính chung cả năm 2017, Việt Nam đã xuất siêu 2,7 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 26,1 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD.

Năm 2017 là một năm kỷ lục khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 400 tỷ USD.

Minh Tuệ

Exit mobile version