Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) vừa đưa ra báo cáo nhấn mạnh áp lực từ việc tăng giá điện sẽ thổi bùng lạm phát năm 2018.
Theo đánh giá của UBGSTCQG, lạm phát trong năm 2017 đã giảm so với năm 2016 nhờ giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng chậm hơn, trong khi giá thực phẩm giảm. Như vậy, lạm phát năm 2018 sẽ chịu áp lực chính từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục), năng lượng và thực phẩm.
Cụ thể, giá dịch vụ công năm 2018 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020 nên được dự báo đóng góp vào lạm phát tổng thể khoảng 2-2,5%. Trong khi đó, giá thực phẩm 2017 giảm chủ yếu vì sự sụt giảm của giá thịt lợn (do dư cung) nên nhiều khả năng năm 2018 giá thực phẩm sẽ phục hồi khi nguồn cung thịt lợn giảm do ngành chăn nuôi có những điều chỉnh, đồng thời chịu tác động không nhỏ từ lạm phát 2018.
Bên cạnh đó, giá hàng hóa thế giới sẽ không gây nhiều áp lực lên lạm phát 2018 do dự báo ít biến động so với năm 2017 và giá dầu bình quân dự báo chỉ tăng nhẹ khoảng 6% so với năm vừa qua.
Mặt khác, dù Mỹ dự kiến tiếp tục tăng lãi suất, song dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục ổn định như năm 2017, vì vậy tác động của yếu tố tỷ giá đến lạm phát cũng sẽ không quá lớn.
Theo UBGSTCQG, nếu không có yếu tố đột biến, lạm phát năm 2018 dự báo duy trì ở mức tương đương năm trước (dưới 4%). Tuy nhiên, UBGSTCQG nhấn mạnh lạm phát năm 2018 có thể tăng cao hơn nếu giá điện tăng mạnh. Ước tính, nếu giá điện tăng 8-10% sẽ góp phần làm lạm phát tăng 0,1-0,15 %.
Đợt tăng giá điện gần đây nhất là từ ngày 1/12/2017. Theo đó, giá bán điện tăng lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương ứng tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Theo Thanh niên, giá điện tăng đúng vào dịp cuối năm đã ảnh hưởng lớn đến chi phí của các doanh nghiệp.
Một lãnh đạo Công ty Sài Gòn Food cho biết tiền điện mỗi tháng của công ty ước tăng khoảng 200 triệu đồng, chi phí sản xuất của công ty này cũng tăng thêm khoảng 0,3%.
Trong khi đó, Công ty CP giấy Sài Gòn cho biết, không chỉ mỗi giá điện tăng mà sau đó mọi hàng hóa sẽ tăng giá theo, tác động nhiều lần đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Chia sẻ với tờ Nhịp sống kinh doanh hồi tháng 12/2017, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ hao hụt điện, tổn thất điện năng còn lớn so với khu vực và thế giới, số lao động ngành điện cũng lên tới 100 nghìn người. Chính vì vậy, nếu không cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng thì giá thành điện sẽ còn tiếp tục tăng, gây thiệt hại cho nền kinh tế và người dùng cuối cùng.
Nguyễn Trang