Nhiều hộ nuôi tôm ở Quảng Nam và Thanh Hóa đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì tôm chết hàng loạt dưới trời nắng nóng.
Theo VOV, những ngày gần đây, tôm nuôi tại nhiều hồ ở xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bỗng đổ bệnh chết hàng loạt khiến nhiều người dân điêu đứng vì thua lỗ.
Anh Trị ở thôn Hòa Mỹ, xã Duy Vinh, cho biết vụ tôm này gia đình anh đầu tư 150 triệu đồng thả nuôi 500.000 con tôm. Vừa thả nuôi được 10 ngày thì gặp đúng đợt nắng nóng gay gắt khiến tôm đổ bệnh chết hàng loạt. Chỉ trong 3 ngày, toàn bộ số tôm giống nhà anh Trị đã bị chết hết vì lứa tôm này quá nhỏ.
Nhiều hộ nuôi tôm ở xã Duy Vinh cho biết, vụ 1 nuôi tôm bà con thu hoạch được 230 tấn tôm, người trúng đậm thu được 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì vào đầu vụ 2 này, thời tiết nắng nóng làm tôm chết đột ngột, đồng nghĩa với bao nhiêu vốn liếng cũng đi theo con tôm.
Theo ông Trần Văn Sành, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, nắng nóng trong những ngày qua khiến độ mặn trong nước tăng cao. Hạn hán cũng làm mực nước trong các ao nuôi xuống thấp. Trời nắng nóng, nhiệt độ nước tăng cao khiến bệnh đốm trắng trên tôm bùng phát mạnh.
Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam khuyến cáo người nuôi tôm mở rộng diện tích ao nuôi, tạo không gian rộng cho tôm hoạt động, đồng thời khuyến khích người dân nuôi theo mô hình trải bạt và có mái che.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho rằng với thời tiết nắng nóng như hiện nay, người nuôi tôm cần phải điều chỉnh lượng nước trong hồ nuôi. Ngoài ra, người dân không nên cho tôm ăn vào khoảng thời gian nắng nóng gay gắt, thay vào đó tăng cường cho ăn vào sáng sớm, hoặc chiều tối vì khi tôm ăn no sẽ lặn xuống dưới đáy hồ và tránh được nhiệt độ cao trên mặt nước.
Tương tự, tại Thanh Hóa, bắt đầu từ ngày 20/6 trở đi, tôm có hiện tượng ngoi ngóp nổi lên mặt nước rồi chết dần. Đặc biệt, những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng ngộp thở khiến tôm chết nhiều hơn.
Báo cáo của Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho thấy, từ ngày 20/6-2/7, tổng diện tích tôm nuôi ở xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, bị thiệt hại là 90ha/435 ha, tỷ lệ chết khoảng 60%. Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp Thanh Hóa và chính quyền địa phương đã tiến hành lấy mẫu xác minh nguyên nhân tôm chết hàng loạt.
Kết quả kiểm tra 4 mẫu nước của Chi cục Thú y Vùng 3 cho thấy tổng số vi khuẩn vibrio cao hơn giới hạn cho phép; khí độc N02 cao hơn tiêu chuẩn cho phép; NH3 nằm trong giới hạn cho phép.
Nguyên nhân gây ra tôm chết là tôm nuôi có mang mầm bệnh đốm trắng, khi điều kiện môi trường thay đổi (đặc biệt thời tiết nắng nóng, nhiệt độ nước cao) khiến bệnh đốm trắng bùng phát.
Vỹ An