Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết năng suất lao động của Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong thời gian qua nhưng vẫn rất thấp, thậm chí chưa bằng nước Lào láng giềng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước đạt 92,1 triệu đồng/lao động, tương đương 4.118 USD/lao động.
Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động năm 2017 tăng 5,9% so với năm 2016, và bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Việt Nam tuy là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN với mức tăng đều qua các năm, nhưng năng suất của Việt Nam vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Đáng chú ý là mức chênh lệch này vẫn tiếp tục gia tăng.
“Năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Phillipines và bằng 87,4% của Lào”, ông Lâm phát biểu trong bài tham luận tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017 diễn ra ngày 13/12.
Vị Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra một số nguyên nhân giải thích cho tình trạng năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp.
Thứ nhất, Việt Nam vẫn còn nhiều lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, trong khi năng suất lao động của ngành này đạt thấp.
Năm 2017, Việt Nam vẫn còn tới 21,7 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm trên 40% lao động cả nước, trong khi năng suất lao động của khu vực này chỉ bằng 38,5% mức chung của nền kinh tế, bằng 30,2% năng suất của khu vực công nghiệp và bằng 31,3% của khu vực dịch vụ.
Và mặc dù khu vực nông thôn đang có sự chuyển dịch lao động sang các ngành phi nông nghiệp, nhưng chủ yếu chuyển sang các ngành chế biến, chế tạo có năng suất thấp, hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp.
Trong ngành nông nghiệp, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao cũng còn hạn chế.
Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản mới chỉ tạo ra 15,5% GDP, và đây có thể xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho năng suất lao động của Việt Nam đạt thấp.
Thứ hai, chất lượng và hiệu quả sử dụng lao động còn thấp. Đến cuối năm 2016, chỉ có 20,6% lao động cả nước đã qua đào tạo có bằng cấp, trong đó khu vực nông thôn chỉ có 12,8%. Cơ cấu lao động thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Thứ ba, khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động. Hiện nay quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp, phần lớn chưa đạt được quy mô tối ưu từ 50-99 lao động để có được mức năng suất lao động cao nhất.
Trong khi đó, số doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 2,1%, nhưng lại chưa xâm nhập được vào các thị trường, trung tâm công nghệ của thế giới, nên chưa kết nối được công nghệ tri thức của thế giới vào trong nước. Trình độ công nghệ trong nước tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng cho biết còn một số yếu tố khác ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam như xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, trình độ quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập, tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố vốn và lao động, và còn một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính.
Minh Tuệ