Đại Kỷ Nguyên

Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn Lào, làm thế nào cải thiện?

Làm thế nào để nâng cao năng suất lao động tại Việt Nam. (Ảnh: cafef.vn)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp hơn cả Lào và chỉ bằng 7% của Singapore.

TS. Đặng Đức Anh – Trưởng ban Phân tích thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội quốc gia, cho biết số liệu năng suất lao động của Tổng cục Thống kê thực chất được tính dựa trên tổng giá trị sản phẩm tạo ra trong năm chia cho số lao động trong độ tuổi, vì vậy không phản ánh đúng được năng suất lao động cá nhân.

TS. Đặng Đức Anh – Trưởng ban Phân tích và dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội quốc gia.

Nhìn tổng thể, năng suất lao động của người Việt còn thấp là đúng. Nguyên nhân có thể do trình độ cơ giới hóa, trình độ sử dụng máy móc còn thấp, chứ không hẳn là năng lực bản thân người lao động chưa cao. Tức là, khả năng làm việc của một lao động Việt Nam chưa chắc đã kém hơn so với các quốc gia khác, nhưng do yếu tố khách quan thiếu máy móc, thiếu điều kiện, không được trang bị đầy đủ công cụ lao động nên năng suất kém hơn người được trang bị đầy đủ là điều tất yếu.

Bên cạnh đó, một tỷ lệ lớn dân số nước ta đang hoạt động trong ngành nông nghiệp, nơi có năng suất đầu người thấp.

Ngoài ra, trong những nghiên cứu mang tính định lượng vừa qua, Trung tâm Phân tích và Dự báo Kinh tế xã hội phát hiện ra một số nguyên nhân góp phần làm giảm năng suất của người lao động như yếu tố thể chế, chất lượng quản trị của chính quyền địa phương còn hạn chế, tính công khai, minh bạch còn thấp.

Tăng năng suất lao động và tăng lương tối thiểu đang không cùng vận tốc

Ông Đức Anh chia sẻ, những năm trước đây lạm phát của Việt Nam khá cao nên việc tăng lương tối thiểu chỉ đủ để bù đắp phần mất giá, chứ không có nhiều ý nghĩa. Bên cạnh đó, những khoản thu khác như điện nước, dịch vụ y tế, giáo dục… cũng tăng cao nên tăng lương nhiều hơn là điều có thể hiểu. Có nhiều ý kiến cho rằng tăng lương tối thiểu phải đi kèm với tăng năng suất, nhưng câu chuyện ở đây là xác định thế nào về mức lương tối thiểu hợp lý lại chưa rõ ràng.

Một số nghiên cứu cho thấy mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng 70-80% nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động.

Theo ông Đức Anh, chỉ khi đề ra được mức lương tối thiểu hợp lý, tạo động lực cho người lao động thì việc bàn tới tăng năng suất lao động đi đôi với tăng tiền lương mới có ý nghĩa.

“Phải tính toán dài hơi cả một giai đoạn chứ nếu so sánh một vài năm với nhau thì chưa hoàn toàn phản ánh đúng thực tế. Nhiều khi cũng là chuyện con gà, quả trứng, nếu lương không đủ thì sao tăng được năng suất,” ông nêu ý kiến.

Cần làm gì để cải thiện năng suất lao động?

Theo vị quan chức của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội quốc gia, năng suất lao động của Việt Nam đang cải thiện. Có thể thấy rằng, khi có những chính sách đúng và tích cực dẫn đến những chuyển biến mạnh, năng suất lao động được thúc đẩy thêm rất nhiều.

Để cải thiện năng suất lao động còn liên quan tới chính sách đi liền với nó, nghĩa là cải thiện trong từng lĩnh vực.

Năng suất lao động của khu vực nông nghiệp vừa qua tăng rất mạnh do quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu buộc người dân phải chuyển từ trồng lúa sang cây ăn quả, thủy sản, nông nghiệp sạch. Bước tiếp theo cần phải cải thiện môi trường kinh doanh, tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư, khơi thông thị trường xuất khẩu.

Đối với khu vực công nghiệp, nếu có thể đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì sẽ tăng được năng suất lao động lên nữa. Phải có sự liên kết mạnh hơn giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Những điều đang làm đúng như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải tiếp tục thực hiện, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển tốt hơn.

Dịch vụ phải cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của ngành, áp dụng các công nghệ hiện đại để tăng năng suất lao động. Đơn cử như tình trạng dịch vụ các sân bay đang quá tải, nhưng một phần là do năng suất lao động của mình quá kém, quy trình làm thủ tục tại các quầy còn chậm, phải làm sao cải thiện, đơn giản hóa các quy trình giúp các dịch vụ nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Tiến sĩ Đức Anh cho rằng việc ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới có thể tác động thêm vào việc tăng năng suất. Tuy nhiên, những tác động bên ngoài cũng chỉ là chất xúc tác, quan trọng là nội lực bên trong, từng ngành cần phải dám đổi mới, tự cải thiện để nâng cao năng suất.

Nếu có được những cải thiện thực chất hơn về tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, cổ phần hóa, khả năng năng suất lao động của Việt Nam sẽ tăng cao hơn trong những năm tới.

Quang Minh

 

Exit mobile version