Hàng triệu lao động nữ có thể bật khóc khi cầm trên tay những đồng lương hưu vốn không đủ sống sau vài chục năm cống hiến.
Những ngày gần đây, dư luận đã xôn xao trước câu chuyện cô giáo Trương Thị Lan ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nhận được lương hưu vỏn vẹn 1,3 triệu đồng, sau 37 năm công tác với 22 năm 8 tháng đóng BHXH.
Tuy nhiên, sắp tới sẽ còn những câu chuyện bất cập hơn cả trường hợp của cô Lan, khi chỉ 2 tháng nữa thôi, quy định bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực, những lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu còn thấp hơn những người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm nay.
1,3 triệu đồng… vẫn còn cao!
Theo bà Đinh Thu Hiền, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), hiện cả nước có 3.228 người đang hưởng lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng và nhóm hưởng lương hưu thấp hơn lương cơ sở không phải chỉ có giáo viên mầm non.
“Chẳng hạn, hiện nay đối tượng cán bộ phường, xã, thị trấn không chuyên trách có mức đóng BHXH chỉ trên mức lương cơ sở và nếu thời gian đóng BHXH chỉ 20 năm, tỉ lệ hưởng của họ là 55%. Trong thời gian tới khi áp dụng chính sách BHXH mới thì tỉ lệ lương hưu của họ cũng chỉ dao động từ 55%-60% nên chắc chắn mức hưởng lương hưu của họ cũng sẽ thấp và thực tế đã thấp rồi” – tríc lời bà Hiền nói trên báo chí.
Ngoài ra, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng có mức đóng thấp nhất bằng mức lương cơ sở. Trong khi đó, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2016, mức lương hưu của đối tượng này thấp nhất sẽ bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, tức khoảng 700.000 đồng/tháng.
Đây cũng chính là mức lương hưu thực nhận của họ bởi theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện và cán bộ xã, phường, thị trấn không chuyên trách không thuộc đối tượng được bù cho bằng mức lương cơ sở như giáo viên mầm non
Thiệt đơn, thiệt kép
Xuất phát từ quy định tính lương hưu mới cho lao động nữ, nhiều người lao động sẽ nghỉ hưu trong năm 2018 hoang mang vì bị giảm 4 – 10% lương hưu so với cách tính cũ.
Theo Điều 56 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 (BHXH), từ ngày 1/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 25 năm hưởng tối đa chỉ 69%, thay vì 75% như hiện nay.
Như vậy, muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, lao động nữ phải đóng BHXH thêm 5 năm nữa, nâng tổng số năm đóng BHXH là 30 năm.
Kiến nghị giãn lộ trình thực hiện
Nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động, tăng số năm đóng BHXH… là những biện pháp “kinh điển” mà các nhà quản lý sử dụng để đảm bảo cho quỹ hưu trí được cân đối trong dài hạn.
Điều đáng nói, theo quy định này, lao động nam cũng bị nâng thời gian đóng BHXH lên 35 năm để được hưởng mức lương hưu 75% như lao động nữ, tuy nhiên được giãn lộ trình theo từng năm.
Theo đó, muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm đủ 31 năm (nếu nghỉ hưu năm 2018), đủ 32 năm (nếu nghỉ hưu năm 2019)… đủ 35 năm (nếu nghỉ hưu năm 2022).
Còn với lao động nữ thì quy định này lại phải áp dụng ngay từ năm 2018, không có lộ trình, khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.
Quy định nói trên đã gây hoang mang dư luận và gây ra những hệ lụy phổ biến là một số người chạy thủ tục để về hưu trước thời điểm 1/1/2018, một số khác chọn nhận lương hưu một lần thay vì để dành cho tương lai.
Vẫn biết rằng hàng trăm sự để quỹ bảo hiểm khỏi “vỡ”. Nhưng đáng nói là khi lao động nam được giãn lộ trình theo từng năm để đảm bảo thì với lao động nữ, quy định này lại áp dụng ngay từ năm 2018, không có lộ trình.
Cùng vị trí lương lao động nữ thấp hơn lao động nam, đi làm lại gặp nhiều khó khăn, gián đoạn, giờ đến những đồng lương hưu ít ỏi để đỡ đần tuổi già cũng bị giảm, giảm một cách “bất chợt”.
Ngân Hà