Đại Kỷ Nguyên

Ngắm dinh thự ‘Vua Mèo’ sau 100 năm dâu bể

Khu dinh thự của vua Mèo ngày nay còn được gọi là dinh thự họ Vương hay Nhà Vương nằm giữa một thung lũng thuộc địa bàn xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. (Ảnh: Dân Trí)

Dinh thự của “Vua Mèo” nằm ở thung lũng Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) là một công trình kiến trúc tinh xảo, độc đáo. Trải qua gần 100 năm, dinh thự nhà Vương vẫn kiêu hãnh khoe nét đẹp giữa núi rừng Tây Bắc

Dinh thự “Vua Mèo” là dinh thự của dòng họ Vương, dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn, Hà Giang. Chủ nhân căn nhà là ông Vương Chính Đức (1865 – 1947) – người thường được bà con dân tộc Mông gọi là “Vua Mèo”.

Toàn bộ dinh thự nhà họ Vương có diện tích gần 3.000 m2 bị ảnh hưởng bởi kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp, do một người thợ quê gốc Nam Định thiết kế. Tòa dinh thự 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, được chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh có 64 buồng dành cho 100 người ở. Tường của dinh thự được xây 2 tầng bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ thông và ngói làm từ đất nung.

Vua Mèo Vương Đức Chính. (Ảnh: Zing)

Tòa dinh thự do ông Vương Đức Chính xây dựng trong suốt 9 năm (từ 1919 đến 1928). Quá trình xây dựng tiêu tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.

Sau gần 100 năm, dinh thự nhà họ Vương vẫn giữ được hầu hết những nét xưa cũ. Chỉ có duy nhất hệ thống sàn nhà đã bị cạy phá, hư hỏng do thời điểm chiến tranh nhiều người đến tòa dinh thự để tìm kiếm tài sản có thể chôn giấu dưới nền nhà. Năm 1993, dinh thự này được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia.

Dinh thự nhà họ Vương hiện đang là một trong những địa điểm du lịch hút khách tại Hà Giang. (Ảnh: Zing)
Bao quanh phía trước dinh thự là một dãy núi hình vòng cung. (Ảnh: Zing)
Ngôi nhà xây bằng đá xanh vĩnh cửu. Ngói máng âm dương màu ghi xanh có thể chống được mưa đá to – kiểu thời tiết khắc nghiệt thường xuất hiện ở Hà Giang. (Ảnh: Dân Trí)
Những chân cột đá được những thợ giỏi nhất ở Vân Nam thời đó chạm khắc và dùng những đồng bạc đông đương để đánh bóng. Mỗi chân cột tốn khoảng 900 đồng bạc tương đương khoảng 1 tỷ đồng tiền Việt nam hiện nay. (Ảnh: Dân Trí)
Trước kia toàn bộ ngôi nhà được làm bằng gỗ thông núi đá rất cứng, không bị mối mọt. Hiện tại, sau khi trùng tu khoảng 60% đã được thay bằng gỗ lim, nghiến. (Ảnh: Dân Trí)
Nơi thờ cúng tổ tiên của nhà họ Vương. (Ảnh: Zing)
Trung cung trong dinh thự. (Ảnh: Zing)
Phòng làm việc và tiếp khách của vua Mèo. (Ảnh: Wikipedia)
Bên trong dinh thự vẫn còn nhiều hiện vật quý giá từ thời vua Mèo như cối đá, bếp sưởi, bàn ghế gỗ tiếp khách, chậu tắm làm bằng đá… (Ảnh: Dân Trí)
Tại ngôi nhà chính còn lưu bức hoành phi với bốn chữ “Biên chinh khả phong” được vua Nguyễn ban cho. (Ảnh: Wikipedia)

Hiện tại, tòa dinh thự họ Vương đang được dư luận quan tâm do cháu nội “Vua Mèo”là ông Vương Duy Bảo đã có đơn kêu cứu gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu được trả lại tòa dinh thự.

Sau khi nhận được đơn thư kêu cứu của ông Vương Duy Bảo, văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang và Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, yêu cầu 2 cơ quan trên báo cáo về việc giải quyết kiến nghị của ông Bảo trước ngày 31/8.

Liên quan tới một số thông tin cho rằng, dinh thự nhà họ Vương đã được hiến cho nhà nước vào năm 2014, ông Bảo phủ nhận hoàn toàn thông tin này.

“Tôi không bán, không tặng, không hiến, không trao đổi với ai về tòa nhà này. Tôi có ký văn bản nào hiến đâu”, ông Bảo khẳng định trên báo Thanh Niên.

Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hà Giang cho biết, cấp sổ đỏ của dinh thự họ Vương cho Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đồng Văn là hoàn toàn hợp pháp.

Một trong những căn cứ mà Sở này đưa ra là khoản 1, điều 54, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP về việc thi hành luật đất đai quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có quy định: di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh.

Như Quỳnh

Exit mobile version