Đại Kỷ Nguyên

Ngân hàng ANZ sẽ dừng hoạt động tại Việt Nam từ 15/12

Bắt đầu từ 5 giờ chiều ngày 15/12, Ngân hàng ANZ Việt Nam sẽ tạm ngừng một số dịch vụ ngân hàng và chuyển giao mảng Ngân hàng bán lẻ sang cho Ngân hàng Shinhan Việt Nam. ANZ Việt Nam cũng khuyến cáo khách hàng nên sớm thực hiện các hoạt động rút tiền mặt, thanh toán và chuyển khoản để tránh bị gián đoạn vào thời điểm chuyển giao.

Theo thông báo, ngân hàng ANZ sẽ tạm dừng các dịch vụ Thẻ ghi nợ Visa và Thẻ tín dụng ANZ gồm: Tất cả giao dịch rút tiền mặt qua máy ATM nội địa, nước ngoài, tất cả giao dịch qua máy thanh toán POS và trực tuyến, dịch vụ thông báo giao dịch qua tin nhắn. Bên cạnh đó, từ ngày 11/12 đến thứ sáu ngày 15/12, các máy ATM ANZ sẽ ngừng hoạt động dần.

Ngoài ra, dịch vụ ngân hàng trực tuyến cũng sẽ tạm dừng từ 20 giờ ngày 14/12, lệnh chuyển tiền đến tạm dừng từ 5h chiều ngày 15/12. Mọi lệnh chuyển tiền đến từ sau 5h chiều sẽ được chuyển trả về cho người thực hiện lệnh chuyển. Lệnh chuyển tiền đi sẽ dừng từ 12 giờ trưa ngày 15/12.

Từ 12 giờ ngày 15/12, ANZ sẽ dừng nhận yêu cầu thanh toán khoản vay, Thẻ tín dụng. Ngân hàng cũng thông báo các trường hợp khách hàng đến hạn thanh toán dư nợ Thẻ tín dụng hoặc số tiền hàng tháng cho khoản vay vào ngày 15/12 cần sắp xếp thanh toán không chậm hơn ngày 14/12. Từ ngày 13/12, việc tất toán các khoản vay sẽ được dừng lại.

Rất nhiều chuyên gia cho rằng ANZ rút khỏi thị trường Việt vì không cạnh tranh lại các ngân hàng nội.

ANZ Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo khách hàng nên cân nhắc thực hiện sớm các hoạt động rút tiền mặt, thanh toán và chuyển khoản. Khách hàng của ANZ có thể bắt đầu giao dịch tại các chi nhánh Shinhan từ ngày 18/12/2017, tất cả lệnh chuyển tiền và Ghi nợ tự động hiện tại sẽ tiếp tục được thực hiện bởi Shinhan.

ANZ là ngân hàng hàng đầu Australia tại Châu Á. Tại Việt Nam, ANZ đã hoạt động hơn 15 năm.

Nhận xét về việc chuyển giao này trên báo Diễn đàn doanh nghiệp, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ngân hàng nước ngoài coi trọng nguyên tắc quản trị rủi ro, tuân thủ pháp luật, thậm chí “bảo thủ” nên chịu những sức ép nhất định trong cuộc cạnh tranh. Bên cạnh đó, các ngân hàng nước ngoài cũng không am hiểu địa phương bằng ngân hàng trong nước, do đó việc kinh doanh không hiệu quả là điều dễ hiểu.

D.Thu

Exit mobile version