Tổng cục Thuế vừa đưa ra con số giật mình ‘trên cả nước có đến 581.700 hộ dù có địa điểm kinh doanh nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế’ và yêu cầu siết quản lý thuế đối với những hộ kinh doanh này. Cụ thể, ngành thuế sẽ đưa vào tầm ngắm các quán cóc vỉa hè, xe ôm…
Trong bản tin chiều qua (20/12) báo Dân Trí cho biết, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) mới đây đã có công văn gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán năm 2019.
Đáng lưu ý, tại báo cáo này, Tổng cục Thuế cho biết, kết quả rà soát của cơ quan thuế cho thấy, số hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế lên tới 581.700 hộ.
Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế đưa ngay những hộ kinh doanh này vào diện quản lý thuế. Đồng thời các cục thuế phải thường xuyên rà soát đảm bảo dữ liệu giải trình đối với các cá nhân kinh doanh không thường xuyên như xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát – không chính thức được phép hoạt động (chợ tạm, chợ cóc, xóm làng, thôn, bản…)
Tổng cục Thuế cũng lưu ý đối tượng hộ gia đình vừa sản xuất, vừa bán lẻ sản phẩm tại nhiều địa điểm khu vực dân cư là đối tượng có chênh lệch nhiều trong tiêu chí điều tra của cơ quan thuế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bích Lâm – tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, vừa qua khi tổng điều tra kinh tế, Tổng cục Thống kê đã thống kê số lượng hộ kinh doanh trên cả nước.
Về nguyên tắc Tổng cục Thống kê thống kê tất cả các cá nhân kinh doanh, kể cả những người làm tự do, buôn bán nhỏ, trong khi cơ quan thuế chỉ quản lý thuế với những hộ có địa điểm kinh doanh cố định. Do mục đích thống kê là khác nhau dẫn đến những sai lệch trong số liệu.
Theo ông Lâm, số liệu của Tổng cục Thống kê là cơ sở để ngành thuế nắm từ đó quản lý thuế sát hơn. Trên thực tế cũng có những hộ kinh doanh chưa khai đủ hoặc giấu doanh thu, dẫn đến thất thu thuế.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thuế TP. HCM cho rằng khó có sự chênh lệch lớn như vậy.
Lãnh đạo Cục Thuế TP nói: “Có thể khi thống kê cơ quan thống kê đã đưa cả những người kinh doanh hàng rong, xe đẩy, bán xôi, bánh mì, xe cà phê di động hay người kinh doanh thời vụ vào. Còn tiêu chí để lập bộ và đưa vào danh sách quản lý thuế đối với cơ quan thuế phải là những người kinh doanh ổn định, có doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở lên”.
Khôi Minh (tổng hợp)