Văn phòng Chính phủ vừa ban hành quyết định của Thủ tướng về việc bổ sung PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP. HCM, làm thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Từ cậu bé mồ côi trở thành tiến sĩ
Cậu bé Trần Hoàng Ngân sinh ra và lớn lên tại Quận 8-TP.HCM. Mồ côi mẹ từ nhỏ và sống tự lập từ năm học lớp tám. Để nuôi ba em nhỏ ăn học và trang trải cuộc sống hàng ngày, Ngân đã làm mọi việc để kiếm tiền. Từ việc bán báo, bán bánh mì lúc nhỏ, lớn lên Ngân bước chân vào giảng đường đại học bằng những vòng quay của chiếc xích lô.
Ước mơ học để phụ ba nuôi các em đã không phụ lòng chàng trai trẻ Trần Hoàng Ngân. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế và trở thành giảng viên năm 1985, lấy bằng tiến sĩ năm 31 tuổi. Năm 2002, anh là người trẻ nhất trong nước được phong học hàm Phó giáo sư. Ngoài ra, anh cũng là người khởi xướng hai sân chơi lớn cho sinh viên, đó là cuộc thi Dynamic và Thị trường chứng khoán ảo.
Khi Ngân mới 9 tuổi (1973), mẹ mất, nhà lại đông anh em. Bản thân Ngân đã sớm có ý thức phải làm cái gì đó để vừa kiếm sống vừa giúp cha lo cho gia đình, nhất là chăm sóc cho 3 người em.
Ngay từ lớp ba, Ngân đã ôm thùng kem, bánh mì, xấp báo đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để bán. Đi bán kem, bánh mì hay bán báo đối với Ngân là một công việc hiển nhiên cần phải làm. Bởi trong cậu chỉ có một suy nghĩ miễn làm sao có tiền để mua hủ tiếu, bánh mì cho em ăn, rồi có tiền để xoay xở cho bao chi phí hàng ngày.
Trong gia đình, có những lúc Ngân vừa đóng vai trò người cha vừa làm người mẹ vì thương các em mồ côi mẹ quá sớm.
Năm lớp tám, Ngân trở thành thợ nấu chì, làm bình ắc-quy. Đến năm lớp chín, được người anh rể phụ trách kỹ thuật giúp đỡ cộng thêm với việc tự mày mò nghiên cứu, Ngân đã tìm ra cách pha axit, trộn bột chì tái sinh để chế ra những tấm lắc bình ắc-quy. Cho đến năm học lớp mười, Ngân đã cùng với ba lập nên một tổ hợp pha bình ắc-quy và Ngân là người phụ trách kỹ thuật của tổ hợp đó.
Khi làm bình ắc-quy, Ngân chỉ có một suy nghĩ đơn giản là mình như đang học thực tập môn hóa lớp tám, lớp chín. Ngân hạnh phúc bởi những kiến thức mình học đã được ứng dụng vào thực tế.
Trong căn nhà lụp xụp của Ngân ở khu xóm chì bên bờ kênh Đen, một “xưởng” sản xuất tấm lắc ắc-quy ra đời. Công việc hằng ngày thật vô cùng vất vả. Sức nóng từ lò đốt than để xào bột chì, sức nặng của cây kềm gắp dài cả thước khiến cậu bé 13 tuổi gầy gò phải bao lần bị bỏng nhưng chàng thanh liên đội trưởng nhỏ thó ấy vẫn quyết không bỏ nghề.
Điểm sáng bên bờ kênh Đen
Tốt nghiệp thủ khoa Trường Lương Văn Can và thi đậu vào khoa Tài chính ngân hàng Trường Đại Học Kinh tế TP.HCM, anh ngừng hẳn không sản xuất ắc-quy nữa vì ảnh hưởng đến các khu lân cận của bà con xung quanh. Cũng trong giai đoạn này, các di chứng do nhiễm độc chì bắt đầu bộc phát, hành hạ cơ thể khiến anh phải liên tục vào viện. Khi đang học năm thứ nhất và năm thứ hai đại học, căn bệnh của anh bùng phát thêm chứng thấp khớp và xuất huyết bao tử.
Nhưng chàng trai Trần Hoàng Ngân vốn là người thích hoạt động đã không chịu đầu hàng bệnh tật. Nhằm tìm nguồn tài chính để xoay xở việc học và nuôi dưỡng ba người em nên năm thứ ba và thứ tư đại học, anh đã vừa đi học vừa đạp xích lô. Mỗi khi gặp bạn bè Ngân không tránh khỏi những nỗi mắc cỡ và mặc cảm. Nhưng anh tự nhủ “đây là nghề lao động chân chính và mình đi đạp xích lô là để nuôi ước mơ học đại học thì có gì mà xấu hổ”. Chính tinh thần lạc quan và tình yêu lao động đã giúp anh nhanh chóng vượt qua những suy nghĩ tiêu cực và tìm thấy niềm vui trong công việc của mình.
Động lực thúc đẩy Ngân tiếp tục duy trì và phấn đấu cho sự nghiệp học tập xuất phát từ những suy nghĩ giản dị. “Bệnh tật, cuộc sống lại gian truân. Tôi nghĩ, không có con đường nào cải thiện mình bằng cách phải học. Học để có một cái nghề tốt, có nghề ắt có đồng lương cao, từ đó có khả năng phụ giúp gia đình”.
“Học để cải thiện mình, để có điều kiện phụ giúp gia đình”. Cuối cùng anh sinh viên Hoàng Ngân có thể tự hào vì đã đạt được mục tiêu đề ra dù phải trải qua bao nhiêu vất vả bộn bề của cuộc sống và hạn chế của sức khỏe. Tốt nghiệp đại học, anh được trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Anh đã trở thành niềm tự hào và tấm gương chung của cả một họ tộc mà vì nhiều lý do chưa từng có một ai học nổi đến đại học.
Trong môi trường của xóm lao động nghèo bên bờ kênh Đen, Trần Hoàng Ngân đã trở thành một điểm sáng, một tấm gương về sự phấn đấu, vượt qua gian khó trăm bề để tìm kiếm con đường tương lai tươi sáng cho mình.
Quang Minh (th)