Liên quan đến nghi vấn chống thấm hầm chui cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bằng băng keo, phía đại diện nhà đầu tư giải thích, để bảo vệ lớp vật liệu chống thấm, các công nhân đã dùng băng keo dán lại.

Những ngày qua, một tài khoản trên mạng xã hội đã đăng bài viết phản ảnh việc chống thấm ở hầm chui cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đoạn qua thôn 4, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam), với hình ảnh băng dính được dán trên một số vị trí thấm khiến dư luận xôn xao đưa ra nhiều bình luận trái chiều.

Chiều 21/11, quan sát hầm chui dân sinh trên tuyến cao tốc tại vị trí được phản ánh cho thấy có 4 nơi dán băng keo ở đỉnh hầm; các lớp băng keo màu trắng dán ngang dọc nhiều lớp, có đoạn dài gần một mét. Ở một số điểm, băng keo đã bị bong tróc, theo báo vnExpress.

Một điểm trên đỉnh hầm chui được dán băng dính ngang dọc nhiều lớp. (Ảnh:  Đại Lộc.)

Trao đổi với báo chí, nhiều người dân địa phương cho hay, sau khi tuyến cao tốc đưa vào hoạt động, mỗi khi mưa lớn thì hầm chui trên địa bàn có hiện tượng thấm dột; nước rơi xuống giữa đường ảnh hưởng việc đi lại nên người dân đã kiến nghị chính quyền địa phương, đơn vị quản lý cao tốc xử lý.

“Cách đây mấy ngày, có vài công nhân đến khắc phục hiện tượng trên, sau đó chúng tôi thấy băng keo dán lên chằng chịt ở nhiều nơi mà không rõ vì sao”, một người dân nói. 

Theo quan sát của Zing.vn , 4 khe giữa ở đỉnh hầm chui được bịt băng keo màu trắng. Băng keo được dán chằng chịt ngang, dọc và đang có dấu hiệu bong tróc khỏi trần hầm chui. 

Ông Lê Văn Bằng (53 tuổi, trú thôn Trung Thành, xã Tam Mỹ Tây) cho rằng việc dùng băng keo dán để chống nước chảy không thể chấp nhận được.

“Vừa qua, mưa lớn khiến nước chảy từ trần hầm chui xuống. Sau đó, tôi thấy một số người mang băng keo tới dán để chống thấm”, ông Bằng kể.​ ​ ​

​ Hầm chui từng bị thấm dột. (Ảnh: Thanh Đức). ​ ​ ​

Ông Phan Anh Thi (54 tuổi, nhà gần đoạn hầm chui) cho biết mỗi khi trời mưa nước đọng thành từng vũng lớn ở nền hầm chui nên xe và người rất khó lưu thông qua đây. “Việc nhà thầu dùng băng keo để dán cũng không thể ngăn nước mưa chảy qua các khe nứt”, ông Tho cho biết.

Liên quan đến sự việc này, ông Lê Quang Hào, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, phủ nhận việc dùng băng dính chống thấm dột. Ông cho biết tại các vị trí khe thi công ở trần hầm bị thấm dột và nhà thầu đã bơm vật liệu sika để chống thấm.

Đại diện đơn vị quản lý cao tốc cho hay “dán băng keo là để bảo vệ lớp keo phía trong”. (Ảnh:  Đại Lộc.)

Theo ông Hào, trong quá trình bơm vật liệu chống thấm, công nhân có dán băng dính vào để bảo vệ, khi sika khô sẽ bóc băng dính ra. 

Hầm chui qua thôn 4 thuộc gói thầu A2, đoạn tuyến WB tài trợ do Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng cầu đường Sơn Đông (Trung Quốc) làm nhà thầu thi công. Đầu tháng 9/2018, đoạn tuyến cao tốc này được khánh thành.

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tổng vốn hơn 34.500 tỷ đồng, toàn tuyến có 107 cầu, trong đó có 4 cầu lớn vượt sông, 103 cầu trung và cầu nhỏ; 151 hầm chui dân sinh, 168 cống hộp thoát nước và 281 cống tròn.

Cuối tháng 10, VEC cho biết, qua rà soát đoạn tuyến vốn vay JICA từ Km0 đến Km65, đơn vị phát hiện 21 cầu xuất hiện hiện tượng nước thấm từ dải phân cách giữa xuống mố trụ; thấm nước mối nối ống thoát nước mặt cầu.

Đoạn tuyến Km65 đến Km139 còn tồn tại tình trạng mặt đường bị đọng nước; một số hạng mục cầu, hầm chui xuất hiện tình trạng thấm nước, rỉ nước từ điểm thu nước xuống cống, ống thu nước bị bật khỏi mối nối.

Thanh Thanh (tổng hợp)