Trước nghi vấn khâu coi thi, chấm thi của Sở GD&ĐT Hà Giang bất thường, giám đốc sở này khẳng định làm đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.
Sáng 12/7, trao đổi với Zing, ông Vũ Văn Sử – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang khẳng định, mọi khâu về coi thi, chấm thi của Sở GD&ĐT Hà Giang đều được thực hiện nghiêm ngặt.
Với khâu coi thi, Sở GD&ĐT Hà Giang phối hợp Học viện Ngân hàng, Cao đẳng Sư phạm Hà Giang thực hiện. Chấm thi trắc nghiệm đều có sự giám sát của công an.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn cử 2 thanh tra về địa phương. Dữ liệu điểm thi bản gốc có 2 đĩa, một do chủ tịch hội đồng là ông Sử giữ, một đĩa gửi Bộ GD&ĐT.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Giám đốc Sở khẳng định, địa phương đã làm theo quy định còn điểm thi thế nào phụ thuộc vào bài làm của thí sinh.
“Chúng tôi không rà soát bài thi, nghi vấn được nêu là câu chuyện của đánh giá trên mạng, còn lại chúng tôi đã thực hiện đúng quy chế”, ông Sử nói.
Sở này cũng chưa thống kê được đây có phải điểm cao nhất từ trước đến nay hay không (?).
Trước đó, sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia 2018, mạng xã hội xuất hiện thông tin nghi vấn điểm thi của Sở GD&ĐT Hà Giang.
Dù điểm của nhiều thí sinh khá cao, tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 của Hà Giang đạt 89,35%, thuộc nhóm thấp nhất nước. Con số này của cả nước là 97,57%.Với môn Toán, số thí sinh có mức điểm 8-8,75 là 50 em; số thí sinh có điểm từ 9 trở lên là 57 em.
Với riêng môn Vật lý, tỉnh Hà Giang có 65 điểm 9 đến 10, và có 28 bài đạt mức 8 đến 9 điểm. Tức là, số thí sinh đạt 9 đến 10 điểm gấp đôi số thí sinh đạt 8 đến 9 điểm.
Ở khối thi A1, Hà Giang có 36 bài thi đạt trên 27 điểm, trong khi cả nước chỉ có 76 học sinh đạt mức điểm này. Như vậy, Hà Giang (với 5.000 thí sinh) chiếm tới gần một nửa số bài thi đạt trên 27 của cả nước (gần 1 triệu em).
Ông Vũ Khắc Ngọc (giáo viên ở Hà Nội) đặt vấn đề, điểm thi của Sở GD&ĐT Hà Giang “có bất thường”. Giáo viên này cho rằng mức điểm càng cao, số lượng thí sinh đạt được càng ít, nhất là năm nay đề thi khó. Xét trên bình diện chung, số thí sinh đạt 9-10 điểm chỉ bằng 1/8-1/6 số đạt 8-9 điểm mới hợp lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về nghi vấn điểm thi cao bất thường của một số thí sinh tại Hà Giang, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, đã nhận được phản ánh về sự việc trên.
Ngay trong ngày 12/7, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hà Giang tiến hành việc rà soát tất cả các khâu từ coi thi đến chấm thi và nhanh chóng báo cáo kết quả về Bộ.
“Bộ GD&ĐT đang cân nhắc việc sẽ cử người tham gia ngay từ đầu vào việc rà soát các khâu của kỳ thi tại Hà Giang”, ông Trinh chia sẻ.
Cũng theo người đứng đầu Cục Quản lý chất lượng, nếu cần thiết, Bộ GD&ĐT có thể yêu cầu chấm thẩm định. Đây cũng là việc bình thường của công tác hậu kiểm nhằm đảm bảo tính khách quan, thực chất của kỳ thi.
Trong quy chế thi THPT quốc gia cũng quy định rõ, trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi hoặc kiểm tra kết quả phúc khảo của một hoặc một số Hội đồng thi.
Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT có thẩm quyền quyết định cuối cùng về điểm chính thức của bài thi.
Tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, Học viện Ngân hàng được Bộ GD&ĐT phân công đi Hà Giang phối hợp công tác coi thi.
Cùng ngày, PGS.TS.Phạm Quốc Khánh – trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng, cho biết, hơn 200 giảng viên của trường tham gia phối hợp coi thi và làm thanh tra cắm chốt ở tất cả hơn 20 điểm thi tại Hà Giang.
“Việc coi thi và xử lý các tình huống được thực hiện đúng quy trình. Những điểm mới trong công tác coi thi như có chữ ký phó trưởng điểm thi từ trường đại học đến trên niêm phong túi đựng bài thi hay giấy niêm phong mỏng, dễ rách đều được thực hiện và giám sát chặt chẽ. Việc kiểm bài thi, niêm phong và bàn giao bài thi được thực hiện nghiêm túc đúng quy chế, không có sai sót gì”, ông Khánh khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, Học viện Ngân hàng chỉ phối hợp với địa phương trong công tác coi thi. Còn thanh tra chấm thi tại Hà Giang theo phân công của Bộ GD&ĐT lại từ một trường đại học khác.
Hồng Hoa