Việc hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu tràn ngập nước Mỹ không chỉ gây ra tình trạng mất việc làm, mà còn khiến các nhà máy ở Mỹ phải đóng cửa, với những hậu quả thảm khốc đối với các cộng đồng ở nơi đó, trang Breitbart dẫn lời một nghiên cứu mới đây cho biết.
Sau nhiều năm phủ nhận hậu quả, nhiều người giờ đây đã thấy rõ việc mở cửa thị trường Mỹ đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc là một thảm họa cho kinh tế Mỹ, gây thiệt hại sâu rộng và lâu dài cho nhiều khu vực ở Mỹ.
Những khu vực bị hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh gay gắt nhất không chỉ mất việc làm trong lĩnh vực chế biến chế tạo, mà còn ghi nhận tình trạng việc làm nói chung giảm sút, không bao giờ hồi phục được. Những khu vực bị tác động nhiều cũng có nhiều người hơn phải sống dựa vào trợ cấp, nghiện ngập, có tỷ lệ hôn nhân giảm, tỷ lệ ‘phân cực chính trị’ tăng, và tỷ lệ tù tội cao hơn.
Báo cáo nghiên cứu của 4 nhà kinh tế học, gồm ông Brian Asquith thuộc Phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, và bà Sajana Goswami, ông David Neumark và ông Antonio Rodriguez-Lopez thuộc Đại học California, cho thấy thiệt hại sâu rộng và lâu dài trước sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc là nhiều người lao động Mỹ bị mất công ăn việc làm và trở nên thất nghiệp do các công ty Mỹ phải thu hẹp quy mô, hoặc phải cải tiến công nghệ sao cho hoạt động có hiệu quả hơn.
Báo cáo cũng cho thấy cái gọi là “cú sốc Trung Quốc” đã khiến cho các cơ sở sản xuất của Mỹ phải đóng cửa.
Điều này khiến cho tình trạng mất việc vì “cú sốc Trung Quốc” khác cơ bản so với các cú sốc bất lợi khác, như suy thoái kinh tế. Trong trường hợp kinh tế suy thoái, những tổn thất về việc làm chủ yếu là do sự thu hẹp quy mô lao động tại các nhà máy, chứ không phải do sự đóng cửa hoàn toàn nhà máy.
Các nhà kinh tế cho rằng: “Từ quan điểm của thị trường lao động địa phương, nền kinh tế tại các bang của Mỹ có lẽ sẽ bị tổn thất nhiều hơn từ việc đóng cửa các cơ sở sản xuất so với việc thu hẹp quy mô sản xuất (thường xảy ra một lần hoặc theo chu kỳ) bởi vì việc đóng cửa các cơ sở sản xuất sẽ khiến cho người lao động bị mất việc làm một cách lâu dài tại địa phương.
Theo các nhà kinh tế, sau khi bị mất việc tại những cơ sở sản xuất, nhiều lao động Mỹ được tuyển dụng chủ yếu bởi các cơ sở mới thành lập trong lĩnh vực phi sản xuất, cung cấp dịch vụ tại địa phương như y tế, giáo dục, bán lẻ và xây dựng. Tuy nhiên, điều mà các nhà kinh tế không đề cập đến trong báo cáo nghiên cứu của mình là nhiều việc làm trong lĩnh vực phi sản xuất này, là những công việc dịch vụ có mức lương thấp hơn, khiến cho cuộc sống của người lao động Mỹ khó khăn hơn.
Phạm Duy