Đại Kỷ Nguyên

Ngồi ở Sài Gòn vẫn mất nửa tỷ đồng từ cuộc điện thoại giả danh công an Đà Nẵng

Nghe thông báo có bưu phẩm chuyển đến và có giấy nhận tiền, bà Ánh từ chối vì không quen biết người gửi. Tuy nhiên, nhóm lừa đảo vẫn “cuỗm” được nửa tỷ của bà bằng chiêu giả danh số điện thoại công an Đà Nẵng, đòi chuyển tiền để xác minh tài khoản ngân hàng.

Ảnh minh họa

VnExpress đưa tin, đầu tháng 10, bà Ánh (59 tuổi, ở đường Trần Hưng Đạo, quận 5) nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là nhân viên bưu điện, báo có bưu phẩm ngoài Đà Nẵng gửi vào kèm giấy nhận tiền. Lúc này, bà Ánh trả lời không giao dịch và cúp máy.

Ngay sau đó, một cuộc gọi khác liên lạc với bà. Lần này, người đàn ông nhận là trung úy Lê Thạnh Nam, công tác tại công an Đà Nẵng cho biết vừa bắt băng tội phạm, trong đó có kẻ khai đã chuyển tiền mua bán ma túy vào tài khoản của bà.

Nhớ lại cuộc gọi trước đó, bà Ánh khẳng định không liên quan, có sự nhầm lẫn. Tuy nhiên, người gọi điện đến tỏ vẻ nghiêm trọng. “Trung uý” doạ sẽ bắt bà để điều tra nếu không hợp tác.

Anh ta yêu cầu bà chuyển tất cả tiền của mình vào tài khoản an toàn của cơ quan điều tra. Sau khi xác minh nếu bà không liên quan sẽ được chuyển trả. Ngoài ra, bà không được nói với ai vì có thể làm lộ bí mật điều tra.

Tin lời kẻ gian, chiều cùng ngày bà đến 3 ngân hàng chuyển tổng cộng hơn 500 triệu đồng vào tài khoản được cung cấp. Sau nhiều ngày không thấy hồi âm từ “cảnh sát”, bà nghi mình bị lừa nên đã đi trình báo.

Qua xác minh, lực lượng xác định tài khoản nhận tiền của nạn nhân là Khưu Văn Khang và tiếp tục điều tra, xử lý.

Theo Infonet, liên tiếp trong các ngày 5 và 6/10, công an Đà Nẵng nhận hơn 20 cuộc điện thoại của người dân từ Hà Nội, TP. HCM, Ninh Bình, Quảng Ninh… phản ánh có người xưng là cán bộ đơn vị này thông báo việc họ đang bị điều tra, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản. Hiện có hơn 40 người trình báo, nhận là nạn nhân.

Chiêu trò lừa đảo giả danh số điện thoại công an để chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: VnExpress)

Các đối tượng đóng giả nhân viên bưu điện để liên hệ qua số máy bàn của nạn nhân, thông báo về việc nợ cước điện thoại, có bưu phẩm hoặc nợ tiền ngân hàng. Mục đích để lấy số điện thoại di động, thông tin cá nhân.

Nếu bị hại không tin, “nhân viên bưu điện” sẽ chuyển cuộc gọi qua bên “công an”. Người đóng vai công an gọi điện đến số di động của nạn nhân, cho biết đang xác minh thông tin số tài khoản ngân hàng nhận tiền từ tội phạm, hoặc người buôn bán ma tuý chuyển vào.

Muốn chứng minh không liên quan, các nạn nhân sẽ bị người giả công an yêu cầu chuyển hết tiền trong các tài khoản ngân hàng đang có qua một tài khoản của công an để xác minh.

Theo công an Đà Nẵng, nhóm lừa đảo đã sử dụng công nghệ cao cài đặt số điện thoại ảo. Khi gọi cho các nạn nhân, trên điện thoại di động sẽ hiện lên số của trực ban công an Đà Nẵng. Nếu người dân tra số thì sẽ thấy đúng. Điều này khiến nhiều người tin cuộc gọi đó là của công an.

Trước đó, từ tháng 5/2018, bà Nguyễn Thị Q (67 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bị lừa bằng cách thức trên. Đến ngày 8/10, bà Q mới trình báo đi trình báo.

Hồng Hoa (Tổng hợp)

Exit mobile version