Một ngư dân ở tỉnh Quảng Trị vừa bắt được con cá nghi là sủ vàng quý hiếm ở vùng biển cảng Cửa Việt (Gio Linh) nặng 12 kg, dài 1,1 mét, trên lưng cá có nhiều vảy vàng óng ánh.
Theo Báo Dân Việt, khoảng 3 giờ ngày 21/11, khi đánh bắt ở vùng biển cảng Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị), ngư dân Bùi Đình Quý (khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh) bắt được con cá nghi là cá sủ vàng.
Con cá này nặng 12 kg, dài 1,1 mét, bề ngang 25 cm. Trên lưng cá có nhiều vảy vàng óng ánh.
VnExpress đưa tin, qua tham khảo các ngư dân khác, anh Quý nghi đây là loài cá sủ vàng quý hiếm, có giá trị lớn. Vì con cá đã chết nên anh Quý đưa vào bờ bảo quản đông lạnh, chờ xác minh cụ thể.
Cá sủ vàng (tên khoa học là Otolithoides biauritus), còn gọi là cá sủ vây vàng, cá sủ vàng kép, cá thủ, cá đường – là loại cá lớn nhất trong họ cá đù, thuộc bộ cá vược (họ Sciaenidae), phân bố ở Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Trung Quốc, Việt Nam.
Cá sủ vàng là loại cá quý hiếm, hiện còn lại rất ít. Ngoài chất lượng dinh dưỡng cao, bóng cá sủ vàng được sử dụng để làm chỉ khâu tự tiêu trong vi phẫu thuật và phẫu thuật.
Ở Việt Nam, ngư dân ở các địa phương như Nghệ An, Quảng Bình, Bến Tre,… từng bắt được cá nghi sủ vàng và bán với giá hàng trăm triệu đồng tuỳ theo cân nặng.
Mùa sinh sản vào tháng 1-4 và 9-10 âm lịch, loài cá này thường vào các vùng cửa sông nước lợ để tìm cặp đôi, đẻ con. Cá con ngược lên vùng nước ngọt sâu trong đất liền sống, sau khoảng 1-2 năm khi đạt trọng lượng khoảng 10 kg sẽ tìm ra biển.
Tùng Anh (Tổng hợp)