Dù đã hư hỏng thậm chí có nguy cơ sập bất cứ lúc nào, hai cây cầu tại Bình Định và Quảng Trị vẫn được người dân sử dụng hàng ngày.
Nín thở đi qua cầu gỗ ọp ẹp tại Bình Định
Theo Dân Trí, nhiều năm qua, người dân xóm 3 (thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, tỉnh Bình Định) phải tự sửa chữa, gia cố cây cầu tạm bằng gỗ đã xuống cấp trầm trọng để làm nơi qua lại.
Hiện tại, các trụ cầu đều đã xiêu vẹo, một số trụ thậm chí bị gãy phần xi măng chỉ còn dính vài cây sắt nhỏ. Những trụ khác bị gãy được người dân dùng cây gỗ để gia cố một cách tạm bợ. Mặt cầu rộng chỉ chừng 1m được lót bằng những tấm gỗ nhưng đã mục nát, hai bên cầu không có lan can bảo vệ. Chỉ cần một người đi bộ, cầu cũng bị rung lắc mạnh như muốn sập xuống sông.
Đáng lo ngại là trên đường tới trường hàng ngày, các em học sinh trong xóm vẫn phải đi qua cây cầu này.
Người dân thôn Diêm Vân cho biết, từ năm 2012 đến đầu năm 2018, Ban nhân dân thôn Diêm Vân và UBND xã Phước Thuận đã 2 lần tổ chức đấu giá ngòi (còn gọi là lạch Ân Thuận) để làm cầu dân sinh nối liền 2 khu dân cư ở bờ bắc và bờ nam của thôn, với số tiền 90 triệu đồng. Nhưng tới nay cầu vẫn chưa được xây dựng.
Lãnh đạo xã Phước Thuận cho biết, số tiền kinh phí đang có của địa phương là 90 triệu đồng, trong khi xây cầu mới dự toán khoảng 250 triệu đồng. UBND xã sẽ cố gắng bố trí kinh phí để xây dựng cầu trong khoảng cuối năm nay.
Cầu Quy Thiện ở Quảng Trị nguy cơ sập bất cứ lúc nào
Theo VOV, cầu Quy Thiện bắc qua sông Nhùng tại thôn Quy Thiện (xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) phục vụ việc đi lại của hàng ngàn người dân, đang có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Theo người dân địa phương, vừa qua cây cầu này bị gãy dầm cầu sau khi một xe tải đi qua. Mặt cầu uốn lượn, dù chỉ một người đi bộ cũng làm cầu bị rung lắc.
Lãnh đạo xã Hải Quy (huyện Hải Lăng) cho biết, cầu Quy Thiện dài khoảng 40 mét, rộng 4 mét là tuyến giao thông huyết mạch nối liền 3 xã Hải Xuân, Hải Quy, Hải Vĩnh, phục vụ việc đi lại cho gần 16.000 người dân.
Chính quyền địa phương đã treo biển cấm qua lại tại khu vực 2 bên cầu Quy Thiện. Người dân buộc phải đi đường vòng xa cả chục cây số hoặc sử dụng một chiếc cầu tre tạm tự dựng lên ở gần đó.
Như Quỳnh