Tháng 10 là thời điểm kiến ba khoang hoành hành trong năm, cuộc sống của người dân tại các khu chung cư ngoại thành Hà Nội đang bị đảo lộn do loài vật này tấn công.
Chị Trang (28 tuổi) đang sinh sống tại chung cư Dương Nội cho Báo Dân Trí biết, dù ở tầng 22 nhưng khoảng gần 1 tháng nay, nhà chị bị rất nhiều kiến ba khoang tấn công. Cứ 8-9 giờ tối, kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều, bám dày đặc trên bờ tường, bóng đèn và ghế sofa, làm cách nào cũng không đỡ. Nhiều hộ gia đình tại đây cũng chịu cảnh tương tự.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Hiệp (34 tuổi) tại chung cư Gemek Tower chia sẻ, mấy tuần nay gia đình anh khổ sở vì kiến ba khoang.
“Cách đây 5 ngày, tôi bị kiến bò vào tay. Theo phản xạ, tôi lấy tay gạt ra thì cảm thấy bỏng rát, sưng phồng, phải bôi thuốc nhiều ngày liền mới đỡ”- anh Hiệp nói.
Theo một người dân sống tại khu chung cư ở quận Hà Đông, họ đã phun thuốc và lắp lưới chống côn trùng nhưng tình trạng không đỡ, kiến vẫn xuất hiện. Nhiều gia đình có con nhỏ phải mang con đi gửi ông bà, hoặc đến nhà người thân sống tạm.
Biện pháp ngăn ngừa kiến ba khoang vào nhà
Kiến ba khoang có kích thước lớn, cánh dài, bụng thon, đít nhọn, màu đen, có khoang màu đỏ. Là loài ưa ánh sáng trắng nên khi bật đèn neon vào buổi tối, chúng thường bay vào, bám trên tường, nền nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt của con người.
Chất độc của kiến ba khoang không gây nguy hiểm đến tính mạng, chủ yếu tổn thương trên da nhưng với diện tích lớn, để lại thâm sẹo. Vì vậy, xua đuổi chúng ra khỏi môi trường sống là việc làm thiết thực. Tuy nhiên, trên thị trường chưa có thuốc xịt đặc trị cho loài kiến này, khi phun dung dịch thông thường, chúng sẽ phát hiện và đóng các lỗ thở, sau đó “giả vờ” chết, không có tác dụng.
Các gia đình có thể bẫy kiến ba khoang bằng cách đặt bóng đèn có màu xanh, tím bên ngoài ngôi nhà. Phần dưới bóng đèn hãy đặt 1 chậu nước, nước trong chậu sẽ phản chiếu ánh đèn, thu hút kiến ba khoang và chúng sẽ rơi vào nước. Ngoài ra, nên kéo rèm, đóng chặt cửa… vào buổi tối.
Cách xử lý khi bị kiến ba khoang đốt
Nếu nhìn thấy kiến ba khoang, người dân tránh dùng tay giết hay để chúng tiếp xúc với da. Bởi dịch cơ thể của kiến ba khoang chứa pederin – độc tính cao gấp 15 lần nọc rắn hổ mang. Chất độc kiến ba khoang khiến người bị đốt có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận. Vì vậy, nếu kiến bám vào người hãy thổi nhẹ, sau đó rửa sạch vùng da tiếp xúc và bôi thuốc sát trùng.
Nếu lỡ tay giết kiến ba khoang và chạm vào dịch thể, người dân nên:
- Dùng cồn 70 độ rửa sạch vùng da bị thương tổn do bị kiến ba khoang đốt để giúp giảm khó chịu do tổn thương trên da. Với vết thương do kiến ba khoang đốt, nếu rửa kỹ sẽ giảm đáng kể tình trạng nổi bọng nước do nọc độc của loài kiến này.
- Bôi mỡ corticoid (4-6 lần một ngày).
- Bôi kem phenaegan (8-10 lần một ngày). Chú ý khi bôi thuốc phải miết mạnh ở vùng da bị đốt đến khi thuốc khô sẽ giúp việc thẩm thấu tốt hơn.
Tùng Anh (Tổng hợp)