Đại Kỷ Nguyên

Người đàn ông làm thịt chồn bay quý hiếm rồi đăng ảnh chụp lên Facebook

Hình ảnh giết thịt con chồn bay. (Ảnh: Facebook)

Mạng xã hội đang xôn xao lan truyền hình ảnh người đàn ông trung niên cầm một cá thể chồn bay quý hiếm giết thịt, sau đó đăng hình khoe lên Facebook.

Sáng nay 4/5, hạt kiểm lâm đã đã cử cán bộ phối hợp với Công an xã Ích Hậu xác minh người đăng ảnh giết chồn bay trên Facebook. Kết quả xác định người đăng ảnh là Đặng Quang Thắng.

Anh Thắng hiện đang làm thợ cơ khí ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Hình ảnh làm thịt chồn bay đực đăng lên Facebook là do anh Thắng chụp tại xã Quảng Phú.

Trước đó, vào chiều 3/5, trang Facebook cá nhân Thang Dang Quang đăng tải hình ảnh giết thịt một cá thể chồn bay kèm dòng trạng thái: “Nhậu thịt chồn anh em ơi. Khi đi rừng làm được tí”, theo báo Zing.vn.

Trong hình ảnh đăng tải là một người đàn ông trung niên, đội mũ cối đứng trước một lán trại tạm phủ bạt. Hai tay người này cầm hai cánh của một cá thể chồn bay chụp ảnh. Cá thể chồn được chụp lại có phần lưng và bụng màu nâu, đuôi màu đen, nặng khoảng 3 kg. Sau đó là hình ảnh cá thể chồn bị cạo lông, giết thịt.

Hình ảnh cá thể chồn bay bị đăng lên Facebook. (Ảnh: Chụp màn hình).

Ông Nguyễn Xuân Mận, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lộc Hà cho biết, chồn bay là loài động vật hoang dã quý hiếm, có tên trong Sách đỏ cần được bảo tồn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Quang Thắng kể ông mở xưởng cơ khí ở xã Quảng Phú. Ngày 3/5, có hai người thợ làm thuê tại xưởng tên là Chuyên và Hưng (cùng quê ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình) mang về xưởng một con chồn để làm thịt.

Thấy con chồn lạ, anh Thắng cùng một người dân ở xã Quảng Phú chụp ảnh khoe lên Facebook cá nhân. Cũng theo ông Thắng, con chồn bay này sau đó được hai người thợ làm thịt nhưng không ăn được do mùi hôi.

Chồn bay Sunda, thường gọi tắt là chồn bay, một trong những loài động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ. Hiện nay chỉ còn 2 loài chồn bay còn tồn tại là chồn bay Philippine (được tìm thấy trên các đảo phía Nam Philippines) và chồn bay Sunda sống ở khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia).

Gọi là chồn bay nhưng nó không thể bay, mà nó chỉ lượn và chuyền giữa các cây. Đây là loài sinh vật sống trên cây, thường hoạt động vào ban đêm, thích ăn các loại chồi cây, hoa, quả và các lá non. Chồn bay là loại động vật quý hiếm thuộc nhóm 1, cấm săn bắt, mua bán.

Thanh Thanh (tổng hợp)

Exit mobile version