Đại Kỷ Nguyên

Người dân Venezuela đổ xô đi mua sắm trước ngày chính phủ đổi tiền

Người Venezuela xếp hàng chờ rút tiền trước một cây ATM ở Caracas ngày 17/8. (Ảnh: Reuters)

Vài ngày trước khi chính phủ Venezuela chính thức đổi tiền bằng cách xóa 5 chữ số 0 trên đồng Bolivar như một cách chống siêu lạm phát, người dân nước này chẳng khác gì “ngồi trên đống lửa”. Họ vội vã đi mua sắm những nhu yếu phẩm cần thiết.  

Theo Reuters, người dân Venezuela cuối tuần qua đã xếp hàng dài trước các cửa hàng thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt thiết yếu với hy vọng mua được chút đồ tích trữ trước khi vụ đổi tiền do Tổng thống Nicolas Maduro khởi xướng chính thức có hiệu lực vào ngày thứ Hai (20/8).

Các tài xế cũng vội vã mang xe đến các trạm xăng để tranh thủ đổ đầy bình trước khi đồng tiền mất giá không phanh.

Nhiều người dân Venezuela, quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), lo ngại việc đổi tiền sẽ khiến hoạt động kinh doanh trên toàn quốc rơi vào tê liệt.

Số liệu từ Quốc hội Venezuela (do phe đối lập kiểm soát) cho thấy lạm phát ở nước này lên mức 82.700% trong tháng 7. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát ở Venezuela sẽ lên tới 1.000.000% trong năm 2018.

Với tình trạng siêu lạm phát này, để mua những mặt hàng thiết yếu như một bánh xà phòng hay 1 kg cà chua, người dân Venezuela phải trả bằng hàng chục xấp tiền dày do tốc độ mất giá của đồng Bolivar quá nhanh.

Một kg cà chua ở Venezuela có giá 5 triệu Bolivar, tương đương 0,76 USD. (Ảnh: Reuters)

Alicia Ramirez, một nhà quản lý doanh nghiệp ở thành phố Maracaibo (Venezuela), cho biết: “Tôi đến một cửa hàng để mua rau, nhưng tôi đành ra về vì phải xếp hàng chờ lâu quá. Mọi người đều như đang phát điên”.

Giới chuyên gia không loại trừ khả năng cuộc đổi tiền sắp tới ở Venezuela sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn tương tự như hồi tháng 12/2016, khi ông Maduro loại bỏ tờ tiền có mệnh giá lớn nhất khỏi lưu thông mà không có đồng tiền nào thay thế. Động thái đó đã dẫn tới những cuộc biểu tình, cướp bóc và hàng trăm vụ bắt giữ trong bối cảnh Venezuela rơi vào tình trạng gần như không có phương tiện thanh toán hợp pháp.

Trong một tuyên bố mới đây, ông Maduro cho rằng việc đổi tiền sẽ giúp mang lại sự ổn định kinh tế cho quốc gia Nam Mỹ này.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng đổi tiền chẳng qua chỉ là một biện pháp kế toán và không có tác dụng gì trong việc ngăn giá cả leo thang. Họ cáo buộc nguyên nhân dẫn đến lạm phát kinh hoàng ở Venezuela là do các chính sách quản lý kinh tế sai lầm và in tiền ồ ạt.

Nhiều giao dịch ở Venezuela hiện nay được thực hiện qua thẻ nên không ít người lo ngại rằng cuộc đổi tiền mà giới chuyên gia ngân hàng Venezuela cho là được thực hiện quá gấp rút có thể khiến mạng lưới tài chính của nước này sụp đổ.

Tổng thống Maduro đã công bố ngày 20/8 là ngày nghỉ toàn quốc để phục vụ cho việc đổi tiền. Một loạt tờ tiền với mệnh giá thấp hơn sẽ được đưa vào lưu thông. Dịch vụ ngân hàng Internet sẽ được tạm dừng nhiều giờ đồng hồ từ tối ngày 19/8.

Điểm khác biệt chính giữa đợt đổi tiền lần này với quyết định tiền tệ của Tổng thống Maduro hồi năm 2016 là hầu hết các đồng tiền hiện tại sẽ song song lưu hành với các đồng tiền mới trong một khoảng thời gian. Khi đó, một đồng 1.000.000 Bolivar cũ sẽ tương đương với đồng 10 Bolivar mới.

Nhiều tháng nay, những người nghèo ở Venezuela không có tài khoản ngân hàng thường phải vác những bao tiền lớn đi mua sắm những mặt hàng thiết yếu.

Đơn cử như, để mua 1 kg pho mát có giá tương đương 1,14 USD, người Venezuela phải mang 7.500 tờ Bolivar mệnh giá 1.000 Bolivar – tờ tiền mới được đưa vào lưu thông năm 2017.

Để mua một bánh xà phòng giá tương đương 0,53 USD, người Venezuela phải mang 3.500 tờ tiền mệnh giá 1.000 Bolivar.

Liên quan đến đợt đổi tiền chính thức có hiệu lực từ ngày 20/8, bà Yoleima Manrique làm việc tại một cửa hàng đồ gia dụng ở Caracas đánh giá: “Đây sẽ là một thảm họa thực sự. Chúng tôi chẳng có thông tin gì. Cả khách hàng và chúng tôi sẽ đều phát điên mất”.

Vỹ An

Exit mobile version