Ở Nhật, tỏi voi có giá khoảng 180.000 đồng/kg nhưng nhiều người trồng tỏi ở Lý Sơn không hứng thú với việc một doanh nghiệp của Nhật đưa giống tỏi này vào trồng tại đây.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu khảo sát để đưa giống tỏi voi của Nhật Bản vào trồng tại huyện đảo Lý Sơn.
Trước đó, Phó chủ tịch thường trực Quảng Ngãi ông Đặng Văn Minh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH CAN Holdings (Nhật Bản) để nghe giới thiệu về giống tỏi voi có năng suất khoảng 4-5 tấn/ha.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời chuyên gia nông học Nguyễn Văn Kết, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, nếu Nhật Bản vào giúp đỡ để phát triển thương hiệu tỏi Lý Sơn sẽ rất có lợi cho người dân. Tuy nhiên, đưa tỏi voi Nhật vào trồng ở Lý Sơn có thể sẽ gây sự nhầm lẫn giữa thương hiệu tỏi Lý Sơn và tỏi voi Nhật trồng ở Lý Sơn.
Theo ông Kết, nếu Lý Sơn đủ năng lực để phát triển tỏi bản địa thì không cần phải hợp tác để phát triển một giống tỏi ngoại lai. Chào đón quy trình sản xuất của Nhật, nhưng phải thận trọng khi đưa vào sản xuất.
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ, Nhà nông học Lê Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nông học – ĐH Nông lâm Huế cho biết tỏi Lý Sơn là giống tỏi quý chỉ có điều kiện tự nhiên của Lý Sơn mới sản sinh ra được. Phải qua nhiều đời, người dân đảo Lý Sơn mới tuyển chọn được giống tỏi quý này.
Đặc biệt là loại tỏi “cô đơn” một củ, có giá trị rất cao, có thời điểm lên tới 2 – 3 triệu/kg. Đây là một trong những giống địa phương tốt nhất hiện nay cần được bảo vệ và phát triển.
Đồng thời, TS. Dũng khẳng định tỏi Lý Sơn đã có dư địa chí, nếu nhập nội vào sẽ đánh bật giống địa phương, đặc sản. Dứt khoát là không cho trồng ở Lý Sơn để đảm bảo tính cốt lõi của sản phẩm là thương hiệu.
Theo quy định, muốn đưa giống tỏi voi Nhật Bản vào Việt Nam phải qua con đường khảo nghiệm, được nhà nước và vùng sản xuất chấp nhận thì mới mở rộng sản xuất. Hội đồng đánh giá nhà nước có văn bản đánh giá đồng ý cho phép thì mới cho phép sản xuất ở vùng đó.
Thanh Tùng