Báo cáo nghiên cứu của Nielsen cho thấy niềm tin của người tiêu dùng liên tục giữ ở mức cao trong suốt năm 2017, giúp Việt Nam xếp thứ 7 trong số các quốc gia lạc quan nhất toàn cầu.
Công ty Nghiên cứu Nielsen vừa công bố nghiên cứu khảo sát niềm tin người tiêu dùng quý IV/2017, cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam quý 4/2017 giảm 1 điểm so với quý trước, đạt 115 điểm.
Tính chung cả năm 2017, niềm tin của người tiêu dùng Việt vẫn giữ vị trí thứ 7 trong số các quốc gia lạc quan nhất toàn cầu.
Theo Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam Nguyễn Hương Quỳnh, tốc độ tăng trưởng khả quan của nền kinh tế ở khắp các lĩnh vực cùng với những dấu hiệu tích cực của dòng vốn đầu tư nước ngoài, sự tăng trưởng của thu nhập bình quân và các chính sách hỗ trợ của chính phủ có thể chính là những nguyên do tạo nên niềm tin mạnh mẽ của người tiêu dùng.
Ngoài những lý do trên, đại diện Nielsen cho rằng niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với khả năng tài chính cá nhân cũng như xu hướng sẵn sàng chi tiêu trong suốt nhiều năm qua cũng tăng lên, giúp Việt Nam lọt top các nước lạc quan nhất toàn cầu.
Cụ thể, sau khi đã trang trải hết các chi phí sinh hoạt thiết yếu, người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các khoản mục lớn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gần một nửa người Việt được hỏi cho biết họ thường sử dụng tiền nhàn rỗi để mua sắm quần áo mới (49%) và chi tiêu cho các chuyến du lịch (44%).
Bên cạnh đó, cứ 5 người tiêu dùng có 2 người sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm công nghệ mới (40%), các khoản vui chơi giải trí bên ngoài (41%) và sửa chữa nhà cửa (42%).
Đáng chú ý, có tới 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu “xanh” và “sạch”. Nguyên nhân là bởi hiện nay yếu tố sức khỏe đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng bất kể là người giàu hay người nghèo.
Tuy nhiên, người Việt vẫn có xu hướng tiết kiệm cao nhất trên thế giới. Với 3/4 người Việt được hỏi (72%) cho biết họ sử dụng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm (so với mức 66% trong quý III/2017).
Lý giải về ưu tiên tiết kiệm hơn là tiêu dùng của người Việt, bà Hương Quỳnh cho rằng có thể là do người tiêu dùng muốn có một cuộc sống tốt hơn, họ muốn được sở hữu các sản phẩm công nghệ cao, muốn có những kỳ nghỉ dài hơn, thường xuyên hơn và họ cũng xây dựng một nền tảng tốt hơn cho tương lai của con cái.
Nguyễn Trang