Tăng trưởng sản xuất bia của Việt Nam những năm gần đây đang trên đà giảm dần. Tuy nhiên, riêng phân khúc bia cao cấp lại có sự bứt phá mạnh với mức tăng trưởng khoảng 15%/năm, cao hơn nhiều so với mức 4,8%/năm của phân khúc bia giá rẻ.
Báo cáo của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho thấy phân khúc bia cao cấp hiện chiếm hơn 30% thị phần bia cả nước, tăng gấp đôi so với thời điểm 2014. Trong phân khúc này có các tên tuổi nước ngoài quen thuộc như Heineken, Tiger, Sapporo, Budwweiser, Carlsberg… cùng một số sản phẩm của các thương hiệu nội như Trúc Bạch, Hanoi Premium, Saigon Special, Saigon Large, Saigon Gold… Đáng chú ý, Heineken vẫn là thương hiệu thống lĩnh thị trường.
Tại thị trường Việt Nam, Heineken dù định vị ở phân khúc cao cấp nhưng có sản lượng lớn, chỉ đứng sau Sabeco. Năm 2017, lượng bia tiêu thụ của cả nước đạt 4 tỷ lít thì Sabeco dẫn đầu với hơn 1,7 tỷ lít, chiếm 40% thị phần; Heineken thứ 2 với hơn 1,1 tỷ lít, chiếm 28% thị phần.
Vietnamnet dẫn khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Người tiêu dùng và Khách hàng thuộc Công ty Tư vấn Boston Consulting Group (Mỹ) cho thấy tầng lớp trung lưu tại Việt Nam (những người có thu nhập từ 714 USD/tháng trở lên) đang tăng nhanh hơn so với bất cứ nơi nào ở khu vực Đông Nam Á. Dự kiến, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 33 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, chiếm khoảng 1/3 dân số.
Các doanh nghiệp cho rằng đây chính là yếu tố cốt lõi giúp phân khúc bia cao cấp sẽ ngày càng lớn mạnh.
Thực tế cho thấy nhiều hãng bia đang không ngừng đầu tư phát triển dòng bia cao cấp tại Việt Nam. Đơn cử như hãng AB Inbev (Mỹ) đã có 2 nhà máy bia tại Việt Nam nhưng mới đây có ý định đầu tư thêm 7 triệu USD để tăng công suất. Sapporo (Nhật Bản) đã đầu tư vào Việt Nam với sản lượng 100 triệu lít/năm…
Trong khi đó, Heineken cho biết Việt Nam là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai thế giới của thương hiệu này (chỉ sau Mexico) và tương lai sẽ trở thành thị trường số một nên tiếp tục nâng công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng với bia cao cấp của người tiêu dùng Việt.
Tương tự, các thương hiệu bia nội như Hebeco và Sabeco thời gian qua cũng đẩy mạnh đầu tư sản xuất các dòng bia cao cấp. Cụ thể, các thương hiệu bia cao cấp của Sabeco là Saigon Special, Saigon Large, Saigon Gold… còn của Habeco là Hanoi Premium và Trúc Bạch.
Đáng chú ý, theo tài liệu đại hội cổ đông của Habeco vừa công bố về phương hướng kinh doanh trong năm 2018, đơn vị này sẽ phát triển sản phẩm Bia Hà Nội 335 ml thay thế chai 450 ml. Nguyên nhân là trong năm 2017, sản lượng bán bia chai Hà Nội 450 ml liên tục suy giảm vì dung tích lớn, giá bình dân, thương hiệu truyền thống, lợi nhuận không hấp dẫn đối với nhà phân phối.
Theo Habeco, bia chai Hà Nội 450ml đỏ vốn là sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng miền Bắc từ hàng chục năm qua. Thời kỳ đỉnh cao, loại bia này chiếm đến 70% tổng sản lượng các sản phẩm của Habeco, song hiện đang bị sụt giảm mạnh. Cụ thể, tiêu thụ năm 2017 của sản phẩm này đã giảm 60 triệu lít.
Lý giải về sự sụt giảm này, Habeco cho rằng do những người có thu nhập khá trở lên, có xu hướng dịch chuyển sang những sản phẩm cao cấp hơn.
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cũng cho biết, từ 2015 đến nay, sản lượng bia hơi đã giảm nhẹ, đặc biệt là bia của các các thương hiệu ít tên tuổi, vẫn đi kèm với từ “bia cỏ”, do người tiêu dùng hiện có xu hướng chuộng bia chai và bia lon hơn.
Mặc dù sản lượng bia giảm nhẹ, song theo đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, người Việt vẫn uống bia nhiều thứ 3 châu Á, 64 thế giới, với mức trung bình 8,3 lít năm 2016. Dự báo đến năm 2025, mức độ tiêu thụ rượu bình quân sẽ là 7 lít/người/năm.
Tiền phong ngày 9/6 dẫn lời TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) bày tỏ lo ngại tình trạng sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang ở mức báo động và có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ở cả 2 giới ngày càng gia tăng. Mức độ này sẽ còn gia tăng trong những năm tới nếu không có các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ để kịp thời điều chỉnh.
Nguyễn Trang