Năm 2017, Việt Nam tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu và gần 4,1 tỷ lít bia. Chi phí cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD.
Theo VnExpress, sáng nay (9/11), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo bà Tiến, hiện việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ở mức cao và xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ.
Cụ thể, năm 2017, người dân tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương với 161 triệu lít cồn. Bình quân mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia. Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc.
Bà Tiến cũng cho hay, thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%.
Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3 đến 3,3% GDP của mỗi quốc gia. Trong đó, chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp.
Zing đưa tin, nữ Bộ trưởng cũng đưa ra so sánh ở nước ta nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng. Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017.
Ngoài ra, chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD.
Về quy định không được bán rượu, bia trên internet (khoản 3, điều 20), báo Thanh Niên dẫn 2 ý kiến của bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: đa số thành viên Ủy ban đồng tình với dự thảo luật và đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ khi đề xuất chính sách này, nhằm giảm tối đa tính sẵn có, dễ tiếp cận đối với rượu, bia; đồng bộ với các quy định khác nhằm mục tiêu “giảm cung”, “giảm cầu” đối với rượu, bia.
Tuy nhiên, một số thành viên Ủy ban không tán thành quy định này vì cho rằng không có tính khả thi, không phù hợp với xu thế phát triển thương mại điện tử và chỉ nên quy định các điều kiện chặt chẽ kèm theo việc bán trên internet.
Quang Minh (Tổng hợp)