Theo chỉ số tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, Chủ tịch và nhà sáng lập tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang đã trở thành tỷ phú đôla thứ 3 của Việt Nam với khối tài sản tăng lên 1,2 tỷ USD.
Bloomberg sáng 19/1 có đăng tải bài viết với tiêu đề “Nước mắm giúp sản sinh tỷ phú USD mới nhất của Việt Nam”. Theo đó, Bloomberg đặt biệt danh cho ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang là “ông trùm” hàng tiêu dùng Việt Nam và nhấn mạnh con đường trở thành tỷ phú của vị doanh nhân này dựa trên mục tiêu đưa nước mắm và các đồ gia vị thiết yếu vào căn bếp của các hộ gia đình Việt.
Chỉ trong 6 tháng, cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan đã tăng gấp đôi, giúp nâng giá trị tài sản ròng của Chủ tịch Masan lên mức 1,2 tỷ USD.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu Kantar Worldpanel, 95% hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm tiêu dùng của Masan.
“Các nhà sản xuất thực phẩm trong nước như Masan hiểu rõ về nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng tại một quốc gia mà tính địa phương là yếu tố quan trọng để quyết định thành công”, đại diện hãng Kantar cho biết.
Theo trang Nhịp sống kinh tế, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tuy chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu của tập đoàn Masan, nhưng vẫn được coi là ông chủ thực sự, dựa trên vị thế là là cổ đông chính của của CTCP Masan (Masan Corp) – công ty đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của Masan Group.
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 ở Quảng Trị, có bằng tiến sĩ Vật lý hạt nhân, có thời gian dài học tập và sinh sống ở Đông Âu. Hiện ông Quang vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của Tập đoàn Masan. Ngoài ra, ông còn là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Techcombank, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Khởi nghiệp kinh doanh từ những năm 1990 sau thời gian dài học tập và công tác tại Nga, tỷ phú Quang xâm nhập vào thị trường mỳ gói bằng cách bán mì ăn liền cho người Việt ở Nga. Sau đó, vị doanh nhân này xây dựng một nhà máy sản xuất 30 triệu gói mì mỗi tháng, đồng thời bổ sung thêm các sản phẩm nước tương, nước nắm và tương ớt.
Sau khi gặt hái được thành công ở Nga, Nguyễn Đăng Quang về Việt Nam vào năm 2001 và tập trung kinh doanh tại thị trường trong nước. Sản phẩm đầu tiên được tung ra thị trường là nước tương Chin-su, sang năm 2003 bắt đầu có thêm nước mắm Chin-su.
Đến năm 2007, Masan mới bắt đầu đánh chiếm thị trường mì gòi bằng sản phẩm Omachi.
Cuối năm 2015, Masan ký kết đối tác chiến lược với Singha Asia Holding Pte Ltd của Thái Lan kèm theo tuyên bố sẽ mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm và đồ uống ra các nước ASEAN. Tháng 9/2016, Masan tung sản phẩm nước mắm với tên gọi “Chin-Su Yod Thong” cho thị trường Thái Lan – thủ phủ của nước mắm.
Bên cạnh trụ cột Masan Consumer, tập đoàn Masan của ông Quang còn góp vốn vào hàng loạt doanh nghiệp như Masan Resources (với Mỏ Núi Pháo), Masan Agri, Proconco, Vinacafé Biên Hòa, Masan Food, Bia Phú Yên.
Kantar xếp hạng Masan Consumer là một trong ba nhà sở hữu thương hiệu thực phẩm hàng đầu Việt Nam, bên cạnh Unilever NV và Vinamilk. Các sản phẩm được biết đến nhiều nhất của Masan là nước mắm, với các thương hiệu Chin-Su và Nam Ngư, cùng với thịt và thực phẩm đóng gói.
Trong đại hội cổ đông năm 2017, ông Nguyễn Đăng Quang đưa ra hình tượng của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long để minh họa cho chiến lược của Masan. Ông cho rằng Lý Tiểu Long không có nhiều lợi thế về sức vóc và cơ bắp nhưng thường chiến thắng bằng cách lựa chọn đúng giá trị của bản thân.
Nguyễn Trang