Trung Quốc từng là điểm đến ưa thích của các nhà đầu Nhật Bản. Tuy nhiên, từ năm 2013, khi giá nhân công và căng thẳng với Trung Quốc lên cao, các công ty Nhật Bản chuyển hướng đầu tư nhiều hơn sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, trên khắp 3 miền, đặc biệt là Hà Nội và Tp.HCM, các nhà đầu tư Nhật Bản đang dẫn đầu trong làn sóng vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) đổ vào các khu đô thị, dự án bất động sản.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2018, Nhật Bản đứng vị trí số 1 về đầu tư FDI tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 6,47 tỷ USD, chiếm 31,8% tổng số vốn đầu tư đăng ký.
Đối với lĩnh vực bất động sản Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản đã rót vốn vào thị trường này từ rất sớm nhưng chỉ thực sự ồ ạt và tăng mạnh trong những năm gần đây.
Từ năm 2014 đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản liên tục bắt tay với nhiều ông lớn địa ốc trong cả nước để phát triển nhiều dự án khu dân cư hiện đại như Nam Long, An Gia, Tiến Phát, Hòa Bình, Phúc Khang, BRG…
Ngoài ra, các nhà đầu tư Nhật Bản còn đang dành nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và Phú Quốc.
Mới nhất, Công ty bất động sản Nomura trụ sở tại Shinjuku (Tokyo) vừa công bố mua 24% cổ phần cao ốc Sun Wah Tower ngay trung tâm Quận 1 (Tp.HCM).
Việc mua bán này được Nomura Real Estate Asia đưa ra bằng thông cáo báo chí trong quý I/2018. Theo đó, doanh nghiệp cho biết đã thâu tóm thành công 24% cổ phần trong tòa nhà văn phòng Sun Wah Tower trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Tp.HCM). Giá trị của thương vụ không được tiết lộ.
Ngoài ra, nổi bật nhất của làn sóng đầu tư của người Nhật là dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD. Mục tiêu của dự án là xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Trước đó, ngày 31/5/2018, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam ở Tokyo, Nhật Bản, AEON MALL Việt Nam đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án AEON MALL 9,3 ha có trị giá khoảng 190 triệu USD tại thành phố Hải Phòng.
Đây là dự án AEON MALL thứ 3 ở miền Bắc và cũng là trung tâm thương mại thứ 6 của tập đoàn AEON tại Việt Nam, khẳng định sự tấn công mạnh mẽ của tập đoàn này vào thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam.
Bên cạnh đó, dự án của Tập đoàn Nidec tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc sẽ hoàn thiện các thủ tục đầu tư trong thời gian tới.
Đáng chú ý, trước đây, điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư Nhật Bản là thị trường bất động sản Trung Quốc. Song do giá nhân công và căng thẳng với Trung Quốc lên cao, từ năm 2013, các công ty Nhật chuyển hướng, rót vốn đầu tư sang các thị trường khác ở khu vực Đông Nam Á.
Trong xu thế này, thị trường bất động sản Việt Nam đặc biệt thu hút các nhà đầu tư Nhật không chỉ bởi yếu tố dân số trẻ mà còn ở tốc độ đô thị hóa. Theo World Bank, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam giai đoạn 2010-2015 đạt 3%, ngang với Thái Lan và cao hơn Indonesia, Singapore và Philippines, giai đoạn 2015-2020 dự kiến là 2,6% và 2020-2025 là 2,2%, cao nhất trong khu vực.
Trong khi đó, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu thế giới về tình trạng dân số già hóa với số người già trên 65 tuổi chiếm 26.86% dân số; tỷ lệ sinh thấp cũng đang kéo theo tình trạng dân số sụt giảm.
Theo ông Akihiko Iwatani, Quản lý cao cấp kiêm Trưởng văn phòng đại diện của Haseko Corporation tại Hà Nội, thời điểm 2012, khi Haseko gia nhập vào thị trường bất động sản Việt Nam đúng lúc thị trường đi xuống rất mạnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường bất động sản có xu hướng tăng nhiệt trở lại. Trong vòng 10-15 năm tới, phân khúc căn hộ chung cư tầm trung sẽ phát triển rất tốt.
Nguyên nhân ông Iwatani đưa ra là phân khúc dân số trẻ Việt Nam (tuổi từ 30 đến 40) đang ngày càng tăng cao dẫn đến nhu cầu chỗ ở của họ rất lớn; bên cạnh đó, GDP đầu người ở Việt Nam cũng càng lúc càng tăng.
Tương tự, đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản khác cho biết thị trường bất động sản Việt Nam đang hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản. Điều này minh chứng bằng việc nguồn vốn đầu tư của Nhật vào Việt Nam thời gian gần đây tăng mạnh, vượt qua các quốc gia khác để trở thành nhà đầu tư lớn nhất “rót” tiền vào Việt Nam. Hiện rất nhiều doanh nghiệp Nhật đã chọn các doanh nghiệp Việt Nam để liên kết đầu tư và bước đầu mang lại hiệu quả.
Vỹ An