Đại Kỷ Nguyên

Nhà mạng ‘đánh cắp’ thông tin để kích hoạt sim rác là rất nghiêm trọng

Sau khi phát hiện là chủ thuê bao "ma", khách hàng phải vất vả đi hủy thông tin tại các đại lý của nhà mạng. (Ảnh: Tiền Phong)

Trước tình trạng hàng triệu khách hàng bị biến thành chủ thuê bao “ma” do nhà mạng “ăn cắp” thông tin kích hoạt sim rác, Luật sư Đào Thị Liên (Công ty Luật Tiền Phong) nhận định, hành vi trên đã xâm phạm nghiêm trọng thông tin cá nhân và làm méo mó thị trường.

Như Tiền Phong đã phản ánh, thời gian qua nhiều thuê bao khi kiểm tra thông tin cá nhân (soạn TTTB gửi 1414 với tất cả các mạng) vô tình phát hiện mình là chủ thuê bao “ma”, dù không hề đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao trên. Nhiều khách hàng bày tỏ lo lắng, việc vô tình làm chủ số lạ sẽ khiến họ vướng vào rắc rối nếu số thuê bao kia được sử dụng vào mục đích xấu như đe dọa, tống tiền người khác,…

Trả lời về vấn đề trên, các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone đều vòng vo trách nhiệm, đổ lỗi cho các đại lý và không đưa ra các giải pháp hỗ trợ khách hàng xóa bỏ thông tin bị đăng ký cho thuê bao “ma”. Là người “bị hại”, nhưng người dân phải chen chúc xếp hàng để hủy thông tin, trong khi lỗi được xác định thuộc trách nhiệm của nhà mạng.

Liên quan đến vụ việc trên, Cục Viễn thông (Bộ TTTT) xác nhận, có tình trạng nhân viên nhà mạng lấy số CMTND khách hàng để kích hoạt sim bán cho người khác. Tuy nhiên, đơn vị này cũng chưa đưa ra những biện pháp cứng rắn buộc nhà mạng khắc phục hành vi “đánh cắp” thông tin để kích hoạt sim rác theo quy định.

Để làm rõ trách nhiệm của các nhà mạng và cơ quan quản lý, PV đã trao đổi với Luật sư Đào Thị Liên – Công ty Luật Tiền Phong.

Theo Luật sư Liên, từ năm 2012, Bộ TTTT đã ban hành quy định rất rõ việc đăng ký và quản lý thuê bao. Tuy nhiên, các quy định trên không được các nhà mạng thực hiện nghiêm túc, trái lại, nhà mạng còn “bắt tay” với các đại lý lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng để kích hoạt kho sim, chiếm dụng kho số, dẫn đến làm méo mó thị trường.

Luật sư Đào Thị Liên cho rằng mức phạt hành chính cao nhất là 200 triệu cho hành vi “đánh cắp” thông tin khách hàng để kích hoạt sim rác là không đủ tính răn đe.

Luật sư Liên phân tích: Theo Thông tư 04/2012/TT-BTTTT ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Bộ TTTT đã quy định về thủ tục đăng ký thông tin thuê bao như sau:

“Các chủ thuê bao phải đến đăng ký trực tiếp tại điểm đăng ký thông tin thuê bao để cung cấp số thuê bao, xuất trình chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu) đối với người có quốc tịch Việt Nam, hộ chiếu đang còn thời hạn sử dụng đối với người có quốc tịch nước ngoài, giấy giới thiệu cùng với bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập của cơ quan, tổ chức đối với người đại diện cho cơ quan, tổ chức cho nhân viên hoặc chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao; điền thông tin đăng ký vào “Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước” theo mẫu thống nhất do doanh nghiệp ban hành”.

Với quy định như trên, thì không chủ thuê bao nào tự tiện đăng ký được cho số thuê bao của mình nếu không tuân thủ các quy định ở trên. Như vậy khẳng định được chính các nhà mạng đã sử dụng kho dữ liệu cá nhân của khách hàng tự kích hoạt kho sim rác, hay nói cách khách là nhà mạng “đánh cắp” thông tin chủ thuê bao mình có sẵn để kích hoạt sim rác.

Theo Luật sư Liên, việc hiện có hàng chục triệu thuê bao đang hoạt động dựa trên thông tin đi “đánh cắp” đã gây ra những hệ lụy nặng nề cho xã hội và người dân. Trong những ngày qua khắp các tỉnh, thành người dân đều xếp hàng chờ đợi bổ sung thông tin cá nhân để khắc phục cho vi phạm của nhà mạng, còn nhà mạng chỉ phải đối mặt mức phạt hành chính cao nhất 200 triệu đồng là chưa tương xứng với những hậu quả gây ra cho xã hội.

Theo quan điểm của Luật sư Liên, qua sự kiện trên có mấy vấn đề cần phải xem xét:

Thứ nhất, tài nguyên kho số đã bị các nhà mạng tự chiếm làm riêng của mình thông qua việc dù chưa bán được, nhưng đã sử dụng thông tin giả để kích hoạt sim, chiếm giữ kho số, làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong bối cảnh các nhà mạng vẫn đang được độc quyền.

Thứ hai, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông. Cụ thể là: Bộ TTTT xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai việc quản lý thuê bao di động trả trước theo quy định; chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc quản lý thuê bao di động trả trước theo quy định; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính… Trong thời gian qua, việc quản lý của các cơ quan này được thực hiện như thế nào mà để cho hàng chục triệu thuê bao “ma” tồn tại?

Thứ ba, hiện chế tài xử lý trong trường hợp này là nhẹ và không hiệu quả. Mức xử phạt hành chính cao nhất 200 triệu đồng cho hành vi gây ra hậu quả như thế này là chưa tương xứng.

Khi xin giấy phép hoạt động viễn thông nhà mạng đã phải xây dựng đề án đảm bảo an ninh thông tin, dù bất kỳ ai (người của nhà mạng) hay người ngoài sử dụng thông tin nhân thân (CMND) “giả mạo” để đăng ký thành công thuê bao thì cũng bị coi là lỗ hổng về an ninh, nên cần xem xét phương án thu hồi giấy phép do đơn vị được cấp phép viễn thông đã không đảm bảo năng lực hoạt động”.

Thứ tư, cần có sự bảo vệ quyền lợi cho các chủ thuê bao, họ không thể và không bắt buộc phải bỏ công việc, thời gian đến nhà mạng để đăng ký huỷ các thuê bao mà họ chưa bao giờ đăng ký. Việc này các nhà mạng phải tự mà sửa sai”, Luật sư Đào Thị Liên phân tích.

Mạnh Tiến

Exit mobile version