Đại Kỷ Nguyên

Nhà vô địch AFF Cup 2018 suýt rẽ ngang vì… học giỏi

Quế Ngọc Hải ra sân ở AFF Cup 2018. (Ảnh: Vietnamnet)

Tưởng như mải mê với sự nghiệp “quần đùi áo số”, những tên tuổi của bóng đá Việt đương đại chỉ có thành tích thời cắp sách ở dạng… làng nhàng, nhưng hóa ra nhiều anh tài của đội tuyển lại là những học sinh giỏi có hạng.

Một buổi chiều đầu tháng 12 năm 2018, tại ngôi trường trung học phổ thông có tiếng ở Nghệ An, nhóm học sinh lớp 12 đang đứng quanh thầy giáo trẻ có gương mặt thư sinh, lắng nghe anh giải bài toán hóc búa. Trong lúc thầy trò đang vật lộn với những phương trình hóc hiểm, bên ngoài, từng tốp từng tốp người với kèn trống vang trời cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam sắp vào trận thư hùng tại AFF Cup.

Thoáng chút tần ngần, thầy giáo trẻ hạ kính trắng, mắt dõi xa xăm, mơ hồ nhớ lại một thời ăn, ngủ với trái bóng với mong ước một ngày nào đó được mặc trên người chiếc áo tuyển quốc gia với dòng tên Quế Ngọc Hải.

Tất nhiên, câu chuyện trên chỉ là sự tưởng tượng vụng về. Bởi định mệnh đã sắp đặt để Quế Ngọc Hải trở thành một cầu thủ, hơn nữa còn là thủ quân của tuyển Việt Nam trong trận chung kết AFF Cup lịch sử ngày 15/12. Tuy nhiên, trong suy nghĩ một thời của người thân chàng cầu thủ xứ Nghệ, Quế Ngọc Hải sẽ trở thành một thầy giáo dạy Toán, hay một bác sĩ, kỹ sư… Điều này cũng bởi thời cắp sách, chẳng những đá bóng cừ, Quế Ngọc Hải còn học rất giỏi môn Toán.

Cứ theo lời ông Hùng – bố Hải kể với Goal/VN, sự nghiệp của Hải có thể đã rẽ ngang, bỏ lại trái bóng tròn để thi đi thi đại học. Cầu thủ sinh năm 1993 tập luyện bóng đá chuyên nghiệp từ năm 10 tuổi khi gia nhập lò đào tạo CLB Sông Lam Nghệ An. Tuy nhiên, theo định hướng của gia đình, Quế Ngọc Hải sẽ trở thành một Cử nhân Đại học chứ không trở thành cầu thủ bóng đá.

“Mặc dù được đào tạo bóng đá là chủ yếu, thế nhưng đến năm lớp 9 cô giáo chủ nhiệm của Hải vẫn gọi cho gia đình nói rằng nên cho Hải về đi học văn hóa thì tốt hơn vì nó học giỏi Toán, cho đi đá bóng thì uổng phí. Chúng tôi cũng hỏi con xem ý định như thế nào, nhưng Hải quyết tâm lắm, tôi cũng tin tưởng nên không can thiệp”, ông Hùng chia sẻ với SPORT5.

Quế Ngọc Hải không phải là trường hợp duy nhất trong đội tuyển “học hay, đá bóng giỏi”. Theo Báo Lao Động, Phạm Đức Huy là cầu thủ đang được cư dân mạng truyền nhau câu khẩu hiệu: “Con nhà giàu, học giỏi Toán, lễ phép đúng chuẩn con nhà người ta”.

Thời cắp sách, Huy học giỏi Toán, từng đi thi học sinh giỏi cấp huyện. Với điều kiện đó, gia đình Đức Huy theo học văn hóa, tương lai làm công việc kinh doanh. Song, vì đam mê và quyết tâm của Huy với trái bóng tròn quá lớn, cha mẹ anh đành cho con theo nghiệp “quần đùi áo số”. Đức Huy được tuyển chọn đào tạo ở cấp huyện, tỉnh rồi lên Hà Nội luyện tập chuyên nghiệp nhiều năm, rồi sau đó chơi cho Hà Nội FC tại V.League và U19, U23, đội tuyển quốc gia trong các giải đấu ở khu vực.

Đức Huy ôm cup vô địch AFF Cup 2018. (Ảnh: Khám Phá)

“Lò” Hoàng Anh Gia Lai cũng có tiếng là nơi đào tạo ra những cầu thủ xuất sắc cả trên sân cỏ, học đường và ngoài xã hội. Điều này có thể lý giải được, vì Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai yêu cầu các cầu thủ trước hết phải học văn hóa để thành người sau đó mới nghĩ đến chuyện đá bóng giỏi.

Công Phượng, Văn Toàn có học lực khá ở Đại học Sư phạm TDTT TP. HCM. (Ảnh: Lao Động)

Nói về khả năng học tập của “bộ 3” Hoàng Anh Gia Lai là Công Phượng – Văn Toàn – Xuân Trường, thầy Nguyễn Thanh Đề – giảng viên Đại học Sư phạm TDTT TP. HCM cho biết: cả 3 có học lực từ loại khá trở lên. Xuân Trường học rất giỏi, có thể tốt nghiệp loại giỏi nếu duy trì được sức học như hiện tại. Đặc biệt, khả năng ngoại ngữ của cầu thủ này không chỉ khiến người hâm mộ mà ngay cả trọng tài người nước ngoài cũng vỗ tay thán phục.

Minh Tú (Tổng hợp)

Exit mobile version