Theo đề xuất của Bộ Tài chính, người đi đòi nợ thuê phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Bộ Tài chính mới đây đã công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 104/2007 về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ để lấy ý kiến.
Tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị phải cấp trang phục cho người lao động bằng cách tự thiết kế. Trên trang phục phải có tên doanh nghiệp và công khai mẫu trang phục tại trụ sở chính và các chi nhánh.
Đồng thời, người đi đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với các tổ chức, cá nhân liên quan.
Trong trường hợp người lao động đã nghỉ việc, công ty đòi nợ thuê phải thu hồi lại đồng phục và thẻ nhân viên đã cấp.
Bộ Tài chính cho rằng kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề khá nhạy cảm. Do đó, việc quy định về trang phục cho người lao động là rất cần thiết để tăng cường sự giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động này thông qua việc nhận diện nhân viên đòi nợ.
Tri thức trực tuyến dẫn báo cáo của các địa phương như Tp.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An… cho thấy thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tổ chức thành đoàn, tụ tập đông người với trang phục kiểu “xã hội đen, đầu gấu” để đi thu nợ, gây rối tại nơi ở, nơi sản xuất của khách nợ. Điều này gây tâm lý hoang mang, cản trở kinh doanh, ảnh hưởng đến danh dự, quyền tự do của các khách nợ.
Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho biết có 372 trường hợp khiếu nại liên quan về tài chính, ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay. Cơ quan này đã tiếp nhận 90 cuộc gọi phản ánh bị gọi điện đe dọa, đòi nợ.
Chia sẻ trên Thanh niên, luật sư Bùi Quang Tín, Đoàn luật sư Tp.HCM, cho rằng quy định mặc đồng phục đối với dịch vụ đòi nợ là hợp lý, nhằm phân biệt được đâu là dịch vụ hợp pháp, đâu là xã hội đen.
Tuy nhiên, ông Tín cho rằng thực tế việc giám sát thực hiện quy định này không đơn giản và trong trường hợp nhân viên công ty đòi nợ không mặc đồng phục thì đơn vị nào xử lý.
Đồng tình với quy định phải có đồng phục cho nhân viên đòi nợ thuê, nhưng chuyên gia Huỳnh Trung Minh cho rằng mẫu đồng phục cần được đăng ký, kiểm duyệt với cơ quan chức năng để tránh trường hợp đồng phục được thiết kế quá phản cảm.
Đơn cử như trường hợp nhân viên đòi nợ thuê mặc một bộ đồng phục na ná quân phục của công an hay bộ đội, hay trang phục quá hầm hố in những dòng chữ đòi nợ thuê to đùng… đứng trước trụ sở doanh nghiệp hay gia đình cá nhân, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, cuộc sống của họ.
Vỹ An