Trong tháng 9 đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu một lượng than đá bằng với cùng kỳ năm trước, nhưng phải chi số tiền gấp rưỡi, khiến giá trị nhập khẩu vượt mức 1 tỷ USD.
Cụ thể, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy lượng than đá nhập khẩu của Việt Nam trong 3 quý đầu năm đạt 10,4 triệu tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm nước. Tuy nhiên, trị giá nhập khẩu mặt hàng này lại tăng 52,7% lên 1,03 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, lượng than xuất khẩu trong 9 tháng đạt 1,53 triệu tấn, trị giá là 206,7 triệu USD, tăng 18,6% về khối lượng và 89,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Có thể thấy rằng giá than xuất khẩu (khoảng 135 USD/tấn) tốt hơn nhiều so với giá than nhập khẩu (khoảng 99 USD/tấn), nhưng vì khối lượng xuất khẩu thấp nên không bù đắp được con số nhập siêu.
Nhập khẩu than đá của Việt Nam đang tăng với tốc độ tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2013 Việt Nam mới chỉ nhập khẩu 2,27 triệu tấn than đá với trị giá là 264 triệu USD thì đến năm 2016 lượng than nhập khẩu đã lên đến 13,2 triệu tấn với trị giá là 959,5 triệu USD, tăng mạnh 90,5% về khối lượng so với năm 2015 và gấp gần 6 lần lượng nhập khẩu năm 2013.
Từ vị thế của một nước xuất khẩu với số lượng lớn, Việt Nam giờ đây đang nhập khẩu than đá trở lại.
Việt Nam đưa ra chủ trương hạn chế xuất khẩu than nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và căn cứ vào nhu cầu than ngày càng lớn ở trong nước.
Nếu như năm 2007 Việt Nam xuất khẩu gần 32 triệu tấn than thì đến năm 2016 lượng than xuất khẩu chỉ còn 1,24 triệu tấn (với trị giá là 139 triệu USD). Trong 9 tháng đầu năm 2017, lượng than xuất khẩu dù tăng nhưng vẫn chỉ đạt hơn 1,5 triệu tấn.
Theo Tổng cục Hải quan, 3 thị trường lớn nhất cung cấp than cho Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay là Indonesia, Australia và Nga – cung cấp tổng cộng gần 8,7 triệu tấn, chiếm gần 84% tổng lượng nhập khẩu than của cả nước.
Trong các thị trường trên, giá nhập khẩu từ Indonesia là thấp nhất, chỉ khoảng 65USD/tấn, trong khi từ Australia là gần 120 USD/tấn.
Minh Tuệ