Giao dịch tiền điện tử được thực hiện bằng đồng Yên hiện chiếm đến 40% tổng giá trị giao dịch tiền điện tử trên toàn cầu. Theo báo Nikkei, Nhật Bản đang nhanh chóng trở thành thiên đường Bitcoin thế giới.
Giới chức Tokyo đang gặp khó để cân bằng giữa việc bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ quan điển luôn khuyến khích sự đổi mới của Nhật Bản. Không ít chuyên gia lo ngại việc không thắt chặt chính sách quản lý Bitcoin sẽ có thể khiến Nhật đối diện với nhiều rủi ro tài chính.
Chính phủ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các nước châu Á như Trung Quốc và Hàn Quốc đang đẩy mạnh siết chặt quản lý Bitcoin và các loại tiền điện tử bởi lo ngại biến động giá bất thường sẽ bóp méo dòng vốn và gây ra bất ổn trong hệ thống tài chính. Giới chức các nước không khỏi lo ngại về khả năng tội phạm sẽ có thể lạm dụng tiền điện tử để lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Trong khi đó, Nhật Bản lại là một trong những nước dẫn đầu thế giới về ủng hộ tiền điện tử. Năm ngoái, Nhật đã công nhận tiền điện tử là công cụ thanh toán hoàn toàn hợp pháp. Giờ đây, Nhật đang dẫn đầu thế giới về các giao dịch tiền điện tử khi chiếm đến 40% tổng giá trị giao dịch toàn cầu.
Tỷ lệ này sẽ có thể tăng cao hơn nếu ngày càng nhiều nhà đầu tư tiền điện tử đến Nhật Bản để tận dụng quy định của chính phủ nước này. Tuy nhiên, nhìn từ bên trong nước Nhật, chính phủ Nhật không cho rằng họ đang dễ dãi thái quá với loại tiền này.
Theo nhận xét của chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi tại hãng Nomura Research đồng thời là cựu thành viên thuộc Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ), các động thái siết chặt quản lý tiền điện tử tại nhiều nước khác đã khiến dòng vốn đầu tư càng đổ vào Nhật nơi chính sách quản lý còn lỏng lẻo.
Không giống các giao dịch chuyển tiền quốc tế giữa các ngân hàng trên thế giới vốn có mức phí rất cao và tốn nhiều thời gian, nhà đầu tư tiền điện tử thế giới có thể gửi tiền cho nhau chỉ qua email. Nếu nhà đầu tư tại Hàn Quốc muốn giao dịch Bitcoin, đơn giản họ có thể gửi mã đến cho người quen của họ tại Nhật.
Dù việc không siết chặt Bitcoin có thể giúp cho nhiều sàn giao dịch phát triển cũng như hỗ trợ cho nhiều ngành kinh doanh liên quan phát triển, Nhật có thể đối diện với rủi ro tài chính không hề nhỏ.
Hiện tại, chính phủ Nhật đang rất ngại thắt chặt chính sách. Khi trả lời giới truyền thông, Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso nhấn mạnh Nhật cần hướng đến sự cân bằng chính sách: “Tôi không nghĩ rằng sẽ là tốt nếu chúng ta cứ cố gắng quản lý bất kỳ cái gì có thể.”
Chính phủ nhiều nước châu Á khác không nghĩ vậy. Trung Quốc đi đầu trong các biện pháp thắt chặt quản lý với tiền điện tử. Mùa thu năm 2017, chính phủ Trung Quốc bắt đầu cấm hoạt động gọi vốn tiền điện tử, đồng thời đóng cửa một số sàn giao dịch tiền điện tử. Một số doanh nghiệp đang giao dịch tiền điện tử sau đó đã lập tức rời khỏi Trung Quốc để né tranh sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng yêu cầu các doanh nghiệp có cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến bao gồm Alipay, Alibaba ngừng giao dịch với những sàn giao dịch tiền điện tử.
Chính phủ Việt Nam cũng siết chặt quản lý tiền điện tử. Indonesia cũng không phải ngoại lệ. Ngày 7/12/2017, Ngân hàng trung ương Indonesia khẳng định đã ra thông báo cấm sử dụng tiền điện tử tại Indonesia bởi lo lắng về những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế.
Tại Hàn Quốc, chính phủ Hàn Quốc cấm hoàn toàn các tài khoản ngân hàng nặc danh chuyên được dùng để giao dịch tiền điện tử. Những nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ không thể gửi được được tiền vào các sàn giao dịch tiền điện tử nếu tên trên tài khoản ngân hàng của họ không khớp với tên tại sàn giao dịch tiền điện tử.
Tâm lý lo lắng về khả năng tiền điện tử gây mất ổn định hệ thống tài chính thế giới ngày một lớn dần. Ủy ban chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) đã thể hiện sự thận trọng cao độ với các sàn giao dịch tiền điện tử. Chính phủ Nga cũng đang tính đến sẽ quản lý chặt chẽ hơn. Chính phủ nhiều nước khác đang nói đến việc cần đưa ra khung quản lý tiền điện tử áp dụng trên toàn cầu.
Quang Minh