Ngân hàng trung ương Nhật Bản tiếp tục duy trì các biện pháp nới lỏng định lượng quy mô lớn nhằm kéo nước này ra khỏi tình trạng giảm phát.
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 31/7 thông báo cơ quan này sẽ tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ siêu lỏng, nhưng hạ mức dự báo về tỷ lệ lạm phát của nước này.
Theo thông báo, BOJ sẽ điều chỉnh việc mua các quỹ hoán đổi danh mục và linh động hơn trong chương trình mua trái phiếu nhằm xoa dịu những lo ngại về ảnh hưởng của chính sách tiền tệ siêu lỏng này.
BOJ nêu rõ ngân hàng này có thể sẽ “tăng hoặc giảm số lượng thu mua trái phiếu tùy thuộc vào diễn biến thị trường.”
Điều này đánh dấu sự điều chỉnh nhỏ đầu tiên của BOJ trong gần 2 năm qua.
BOJ cũng thông báo giữ nguyên mục tiêu lạm phát ở mức 2% nhưng cho rằng cần có nhiều thời gian hơn để đạt được mục tiêu này. Ngân hàng này hạ dự báo lạm phát của nước này trong 3 năm tới xuống các mức 1,1% trong năm 2018, 1,5% vào năm 2019 và 1,6% năm 2020.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản bắt đầu thực hiện các biện pháp nới lỏng định lượng quy mô lớn từ năm 2013 nhằm kéo nước này ra khỏi tình trạng giảm phát. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, chỉ số giá tiêu dùng đánh chỉ tăng 0,8% mỗi năm.
Theo Thống đốc BOJ Harukiko Kuroda, chính sách nới lỏng tiền tệ mà Nhật Bản đang áp dụng vẫn phát huy hiệu quả, tuy nhiên ngân hàng sẽ nghiên cứu những tác động tiêu cực của chính sách này đối với thị trường.
Trái ngược với Nhật Bản, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu đều đang tiến hành siết chặt dần chính sách tiền tệ.
Kiều Ngọc