Đại Kỷ Nguyên

Nhật Bản: Ô tô thiết kế cho giới trẻ, bán cho người già

Một cụ già tại Nhật Bản đang ngắm các chiếc xe cỡ nhỏ. (Ảnh: Reuters)

Các hãng chế tạo ô tô tại Nhật Bản hy vọng những mẫu xe nhỏ gọn được trang bị nhiều công nghệ mới sẽ dễ dàng thu hút đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Thế nhưng, khách hàng thực tế của những mẫu xe này lại là những người cao tuổi.

Năm 2017, khi tung ra thị trường phiên bản N-Box mới nhất, Honda đã giới thiệu các tính năng nổi bật của mẫu xe nhỏ gọn này như bàn đạp gắn cảm biến phát hiện lỗi, phanh khẩn cấp tự động, ghế có thể điều chỉnh… và hướng tới phục vụ các gia đình trẻ.

Tuy nhiên, tình trạng già hóa dân số đang gia tăng nhanh chóng ở Nhật Bản đã thay đổi khách hàng mục tiêu của dòng xe chở khách bán chạy nhất đất nước mặt trời mọc. Theo Reuters, gần 50% chủ sở hữu của N-box có độ tuổi từ 50 trở lên.

Các nhà sản xuất ô tô tại Nhật Bản hy vọng với những tính năng và công nghệ tiên tiến, các mẫu xe nhỏ gọn sẽ thu hút người trẻ dù số lượng người lái xe dưới 30 tuổi ở Nhật đã giảm gần 40% từ năm 2011.

Tuy nhiên, trên thực tế, với mức giá giao động từ khoảng 7.500 USD cùng thuế sở hữu thấp, các mẫu xe cỡ nhỏ lại trở thành lựa chọn số một của người cao tuổi – nhóm dân số ngày càng tăng và phần lớn trong số đó có thu nhập ổn định.

Kiminori Murano, Giám đốc điều hành Tortoise – nhà phân phối xe cỡ nhỏ ở Yamato (tỉnh Kanagawa), cho biết khi con cái đã trưởng thành và không còn ở chung với bố mẹ, nhiều người già có xu hướng chuyển từ xe gia đình cỡ lớn sang loại xe nhỏ gọn hơn.

Tại Tortoise, người cao tuổi đã vượt qua nhóm gia đình trẻ, trở thành nhóm khách hàng lớn nhất trong thập kỷ qua, với tỷ lệ hơn 70%.

Kei-car (loại xe nhỏ đặc trưng của Nhật Bản) chiếm hơn 30% tổng doanh số xe chở khách ở Nhật và cứ 20 chiếc xe bán ra trong năm 2018 có một chiếc N-box.

Nhiều hãng từng dự đoán rằng các loại xe tự lái, taxi và xe buýt sẽ là lựa chọn lâu dài của người lớn tuổi. Tuy nhiên, trước khi viễn cảnh đó xuất hiện, nhu cầu mua một chiếc xe giá rẻ và dễ lái như N-box của người cao tuổi đã tăng chóng mặt.

Ông Yoshiyuki Imada (68 tuổi) ở tỉnh Kagoshima dự định bán chiếc sedan Toyota Mark II đã chạy gần 20 năm qua để mua xe cỡ nhỏ vào năm tới, khi bảo hiểm xe hết hạn.

“Với người tuổi cao, xe nhỏ dễ lái hơn nhiều”, ông Imada nói.

Honda cho biết các tính năng an toàn của N-box không được thiết kế dành riêng cho người cao tuổi. Tuy nhiên, hãng xe này khẳng định N-box vẫn giúp những tài xế lớn tuổi di chuyển một cách an toàn.

Trong nhiều năm, các quảng cáo xe cỡ nhỏ đều gắn với hình ảnh vui nhộn và trẻ trung, thường là các cuộc vui chơi trên bãi biển hay cắm trại của nhóm bạn trẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các quảng cáo dần chuyển hơi hướng tình cảm và gần gũi hơn với hình ảnh gia đình.

Mới đây, Daihatsu Motor – công ty con của Toyota, đã tung video ghi hình một người nông dân lớn tuổi đang hướng dẫn cậu con trai khi điều khiển một chiếc xe tải cỡ nhỏ với hệ thống phanh khẩn cấp tự động, qua đó cho thấy kỹ năng lái xe của người già điêu luyện không kém gì các tài xế trẻ.

Phát ngôn viên của Daihatsu, ông Kazuki Inoue, cho biết: “Nhóm khách hàng lớn nhất của công ty này là các tài xế ở nông thôn, phụ nữ và người cao tuổi. Xe tải nhỏ thường được sử dụng ở trang trại và người làm nông nghiệp đa phần là người lớn tuổi. Vì vậy, chúng tôi muốn tiếp thị hệ thống an toàn tiên tiến của mẫu xe này”.

Theo Takaishi, sử dụng cảm biến để giám sát các khu vực quanh thân xe và đánh giá nguy cơ tài xế đạp nhầm chân ga là hai trong số tính năng có thể bù đắp các vấn đề phổ biến của người cao tuổi như sự tỉnh táo hay khả năng phản ứng nhanh.

Tại Nhật Bản, số người trên 60 tuổi có bằng lái xe đang tăng nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển. Trong 5 năm qua, con số này đã tăng gấp đôi so với số người dưới 30 tuổi. Đặc biệt tại các vùng nông thôn, nơi không phổ biến các loại phương tiện như tàu hay xe buýt, nhiều cụ già 80, 90 tuổi vẫn lái xe vì nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Điều đó đã dẫn đến sự gia tăng các vụ tai nạn giao thông liên quan đến tài xế trên 65 tuổi. Chỉ riêng trong năm 2017, số vụ tai nạn do nhóm lái xe ở độ tuổi trung niên gây ra đã chiếm tới 55% tổng số vụ tai nạn trên cả nước.

Trước tình trạng này, năm 2017, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã triển khai hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn, phân loại công nghệ an toàn trên các loại xe đã bán ở thị trường nước này. Theo đó, các hãng xe có thể sử dụng logo có xác nhận của chính phủ để quảng bá xe, trong khi tài xế có thể tiết kiệm tiền bảo hiểm bằng cách mua chúng.

Vỹ An (Tổng hợp)

Exit mobile version