Theo dự báo của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhiều khả năng do sức ép của mặt bằng giá, một số hàng hóa sẽ tăng mạnh, trong đó có xăng dầu.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường tháng 11/2017 có xu hướng tăng như lúa gạo, thực phẩm tươi sống, muối, xăng dầu… Riêng phân bón, đường, thức ăn chăn nuôi, xi măng, sắt thép vẫn giữ mức giá ổn định.
Theo Bộ Tài chính, giá gạo tăng hơn so với tháng 10 là do dịch bệnh, lũ lụt dẫn tới sản lượng lúa tại nhiều địa phương giảm mạnh. Tương tự như vậy, một số loại rau cũng tăng do ảnh hưởng của mưa bão.
Với mặt hàng xăng dầu, trong tháng 11/2017, Bộ Công Thương đã 2 lần điều chỉnh tăng giá bán xăng, dầu. Theo đó, giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu các loại được điều chỉnh tăng 609-738 đồng/kg, lít (tùy từng mặt hàng).
Trước những biến động của thị trường, Bộ Tài chính dự báo trong tháng 12/2017 có một số yếu tố tác động gây sức ép tăng lên mặt bằng giá như: nhu cầu nguyên vật liệu sẽ tăng do các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, dự trữ hàng hóa, cho dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; xu hướng tăng của giá xăng dầu trên thị trường thế giới; giá hàng may mặc, mũ nón, giày dép phục vụ mùa đông tăng tại các tỉnh miền Bắc do thời tiết chuyển sang mùa lạnh.
Ngoài ra, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường (dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ bảo hiểm y tế, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 6,08% kể từ ngày 1/12/2017); việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công vào cuối năm và độ trễ của chính sách tín dụng có thể tác động tới tình hình lạm phát.
Ở chiều ngược lại, vẫn có một số mặt hàng có khả năng giảm giá hoặc ổn định trong tháng tới như lương thực, phân bón, thức ăn chăn nuôi,… do nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp.
Theo Bộ Tài chính, hiện các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát, bình ổn thị trường, giá cả nhằm góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra biến động bất thường trong tháng.
Diệu Chi