Đức, Anh, Canada cùng nhiều quốc gia khác đã về phe Mỹ chống lại chương trình thâu tóm các công ty công nghệ từ phía Trung Quốc nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, theo SCMP.
Khi Mỹ đang ngày càng tẩy chay mạnh mẽ với các khoản đầu tư của Trung Quốc trong năm nay bằng cách ngăn chặn một loạt vụ thâu tóm lớn, nhiều nhà đầu tư vẫn tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ tìm kiếm cơ hội thâu tóm công nghệ ở nhiều quốc gia khác.
Trong những tháng gần đây, hàng loạt các quốc gia như Đức, Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản và Canada đã cùng tham gia vào một phản ứng toàn cầu chưa từng có đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc vì những do ngại về an ninh quốc gia.
Âm mưu thâu tóm của Trung Quốc đang dần “phá sản”. Vào đầu tháng 8, chính phủ Đức lần đầu tiên phủ quyết việc bán công ty Leifeld Metal Spinning chuyên sản xuất thiết bị ngành hàng không vũ trụ và hạt nhân cho Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.
Vào tháng 5/2018, Canada đã chặn một đề nghị mua lại công ty xây dựng Aecon từ công ty Communications Construction của Trung Quốc cũng với lý do tương tự.
Kết quả là, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc trên toàn cầu đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2002. Theo thống kê của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc giảm xuống còn 124,6 tỷ USD từ mức cao khổng lồ 196,2 tỷ USD vào năm 2016.
“Các động thái chúng ta thấy gần đây trên khắp thế giới là dấu hiệu cho lời kêu gọi cảnh giác đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Lời kêu gọi này đã được thúc đẩy mạnh hơn nhờ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump”, Chủ tịch Jeremy Zucker của công ty luật Dechert tại Washington nhận định.
Ông Zucker chia sẻ thêm rằng khi Trung Quốc tuyên bố chương trình “Made in China 2025”, “phương Tây cho rằng đây như một lời tuyên chiến”.
Mỹ luôn nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang sử dụng các khoản đầu tư để có được các công nghệ chủ chốt. Trước đây, Mỹ cũng đã luôn khó khăn trong việc chấp thuận cho các công ty nước ngoài mua lại các công ty thuộc nhóm nhạy cảm. Nhưng ông Trump đã đưa tính bảo hộ này lên một tầm cao mới khi đang tập trung vào các tranh chấp chống lại Trung Quốc.
Kể từ khi trở thành tổng thống Mỹ vào năm 2017, ông Donald Trump đã nhiều lần mô tả Trung Quốc là một “tay chơi” không công bằng trong thương mại và chính quyền của ông đã chặn một số vụ thâu tóm doanh nghiệp từ Trung Quốc.
Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã sụt giảm mạnh. Theo tổ chức tư vấn đầu tư Rhodium Group, trong nửa đầu năm nay, các công ty Trung Quốc chỉ đầu tư 1,8 tỷ USD vào Mỹ, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức đầu tư thấp nhất trong 7 năm qua.
Vào tháng 8, Tổng thống Trump đã ký một đạo luật mở rộng quyền hạn của Ủy ban liên ngành về đầu tư nước ngoài (CFIUS) sau 43 năm giữ nguyên.
Theo luật mới, Ủy ban CFIUS có quyền can thiệp vào các giao dịch đầu tư nước ngoài mà có nguy cơ gây tổn hại an ninh quốc gia và lần đầu tiên được phép đánh giá vào lĩnh vực bất động sản. Nghị viện Mỹ cũng đã khuyến khích các quốc gia khác nên học tập luật mới này của Mỹ để đối phó với những gói đầu tư của Trung Quốc.
“Mỹ đã liên lạc với chính phủ các nước. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc một loạt các ủy ban có quyền hạn giống như CFIUS nổi lên trên toàn thế giới”, ông Mario Mancuson, người từng phụ trách thương mại Mỹ trong thời cựu Tổng thống George W. Bush, cho biết.
Từ Canada sang Mexico đến Liên minh châu Âu, cùng một số quốc gia khác, tuy đều có những rắc rối riêng với chính quyền Trump, nhưng họ vẫn đồng ý với biện pháp của Mỹ trước sự đe dọa của Trung Quốc. Tất cả đều cho rằng các khoản đầu tư và các vụ mua bán sáp nhập của Trung Quốc đều nhằm mục đích ăn cắp công nghệ, truy cập vào dữ liệu nhảy cảm và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
“Lịch sử đang lặp lại theo một cách khác. Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, những lo ngại đều xoanh quanh vấn đề mạng internet. Còn giờ đây, đó là nỗi lo sợ về công nghệ”, ông Christopher Griner, người phụ trách mảng An ninh quốc gia và Thực thi của CFIUS, nhận định.
Đức đã bắt đầu soạn thảo luật sau một số thương vụ thâu tóm lớn của người Trung Quốc, bao gồm cả vụ mua lại công ty robot hiện đại nhất của Đức Kuka với giá 5 tỷ USD.
Lo ngại về sự “thèm ăn” ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các công nghệ tiên tiến nhất của Đức, vào năm 2017, chính phủ nước này đã phải thay đổi luật của mình để tăng khả năng ngăn chặn hoạt động mua lại cổ phần trong các công ty thuộc nhóm công nghệ chủ chốt.
Ngay vào tháng trước, nhà sản xuất thiết bị hạt nhân của Trung Quốc, Yantai Taihai, đã đề nghị mua lại Leifeld – công ty chủ chốt trong ngành công nghiệp điện hạt nhân của Đức. Chính quyền Berlin đã ngay lập tức đưa ra quyết định phủ quyết đối với vụ mua bán này.
“Đây là lần đầu tiên Đức sử dụng quyền phủ quyết của mình và có thể là một hiệu ứng đang lan tỏa diễn ra trên khắp châu Âu”, tờ báo Caixin Global của Trung Quốc nhận xét.
Cũng trong năm 2017, Đức đã gia nhập cùng Pháp và Italia trong việc kêu gọi xây dựng một cơ chế xem xét chặt hơn các khoản đầu tư nước ngoài trên toàn châu Âu. Động thái này được xem là một phản ứng trước những lo ngại đang gia tăng về việc chuyển giao công nghệ kép cho Trung Quốc thông qua các khoản đầu tư.
Anh từng là một quốc gia rất chào đón các khoản đầu tư từ Trung Quốc khi cựu Thủ tướng David Cameron còn nắm quyền. Tuy nhiên, nước này hiện cũng đang về phe Mỹ, Đức và Pháp trong việc mở rộng quyền hạn pháp lý của mình qua việc thành lập một đơn vị riêng biệt như CFIUS.
Anh đã từng rất lỏng lẻo đối với các thương vụ nhạy cảm. Ví dụ như thương vụ hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei giành được hợp đồng chính với nhà cung cấp viễn thông hàng đầu của Anh BT vào 13 năm trước.
Vào tháng 7/2018, Anh đã ban hành đạo luật “White Paper” dưới sự quản lý của Cơ quan An ninh và Đầu tư Quốc gia nhằm cải thiện quyền hạn của chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ mua lại tài sản nhạy cảm của Anh nằm trong nhóm đe dọa đến an ninh quốc gia.
Các quan chức chính phủ Anh đã thất vọng khi vào cuối năm ngoái họ không thể ngăn chặn quỹ Canyon Bridge của Trung Quốc mua lại nhà sản xuất chip Imagination Technologies.
Theo luật mới, chính phủ Anh dự kiến sẽ xem xét tối đa 50 thương vụ đề xuất đầu tư từ nước ngoài trong vòng 1 năm. Hơn nữa, luật mới cũng cho phép chính phủ có quyền xem xét bất kỳ thỏa thuận nào thay vì như trước kia chỉ có quyền can thiệp một thỏa thuận có giá trị từ 91 triệu USD trở lên.
Khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, các vụ thâu tóm của Trung Quốc nhằm vào các công ty công nghệ Mỹ sẽ còn khó khăn hơn. Và các quốc gia phương tây cũng sẽ không dễ dàng cho Trung Quốc.
“Thế giới biết là họ cần tiền của Trung Quốc. Nhưng ngay bây giờ, chủ nghĩa bảo hộ đang mạnh mẽ hơn và không chỉ diễn ra ở riêng Mỹ”, chuyên gia tư vấn đầu tư Edward Mermelstein của một công ty có trụ sở ở New York nhận định.
Kiều Ngọc