Ngày càng nhiều chính quyền các tỉnh ở Trung Quốc thừa nhận đã làm giả số liệu kinh tế và công bố sửa sai để đáp lại yêu cầu từ phía chính phủ trung ương.
Theo tờ nhật báo Nikkei, chính phủ Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc chú trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế thay vì số lượng thể hiện bằng những con số đã được “làm đẹp”.
Chính phủ Trung Quốc đang thay đổi cách đánh giá thành tích quản lý kinh tế của các tỉnh. Việc thay đổi định hướng chính sách này đang khuyến khích chính quyền các tỉnh trở nên bớt giả tạo.
Cũng theo hướng chính sách đó, khi một tỉnh công bố tình hình thực tế về kinh tế và nợ của mình, họ sẽ nhận được thêm trợ cấp từ chính phủ để bù đắp cho phần thâm hụt.
Trong số 31 tỉnh thành và khu tự trị tại Trung Quốc, cho đến nay đã có 3 tỉnh thừa nhận làm sai lệch số liệu kinh tế. Tỉnh Liêu Ninh đã dẫn đầu làn sóng này khi tháng 1/2017 công bố đã làm sai số liệu kinh tế, sau đó đến chính quyền khu vực Nội Mông và chính quyền thành phố Thiên Tân.
Trong 3 địa phương trên, Thiên Tân công bố đã làm sai toàn bộ số liệu về GDP, còn chính quyền thành phố Liêu Ninh và khu vực Nội Mông làm sai số liệu về thu ngân sách.
Tại tỉnh Liêu Ninh, số tiền thu từ thuế và nhiều lĩnh vực khác đã bị khai khống lên thêm 20-30% đối với khoảng thời gian 2011-2014. Chính quyền khu vực Nội Mông trong khi đó công bố khoảng 25% số thu ngân sách năm 2016 đã bị làm giả.
Số thu tài khóa, không tính đến nguồn thuế thu được từ bất động sản, được coi như một chỉ báo quan trọng về sức khỏe tài chính của chính quyền một tỉnh.
“Quan chức chính quyền các tỉnh ở Trung Quốc được thăng chức dựa trên hai yếu tố: GDP và nguồn thu thuế”, theo giáo sư Nie Huihua tại Đại học Nhân dân Trung Hoa. Khi nâng cao số liệu về nguồn thu, các quan chức có khả năng thăng tiến tốt hơn.
Gần đây tại Trung Quốc đã có không ít trường hợp như vậy. Tháng 1/2017, cơ quan kiểm toán quốc gia công bố rằng chính quyền khoảng 10 thành phố và quận huyện thuộc tỉnh Hồ Nam, Vân Nam và Cát Lâm cũng như Trùng Khánh đã nâng khống số thu tài khóa thêm 1,5 tỷ Nhân dân tệ.
Vậy tại sao suốt nhiều năm chính quyền các tỉnh không thừa nhận làm giả số liệu mà đến giờ này mới thừa nhận? Lý do là vì chính phủ Trung Quốc đang đưa ra phương thức mới để đánh giá thành tích quản lý của chính quyền tỉnh.
Theo đó, chính phủ Trung Quốc sẽ không chú trọng đến số liệu GDP mà quan tâm nhiều hơn đến các chính sách thân thiện với môi trường và cam kết giảm đói nghèo.
Ngoài ra, từ năm 2019, chính phủ Trung Quốc cũng thay đổi cách tính GDP. Theo đó Cơ quan thống kê Trung Quốc sẽ bắt đầu tính GDP theo vùng thay cho tính riêng lẻ từng tỉnh thành phố.
Khi cách đánh giá và tính toán số liệu kinh tế của chính phủ Trung Quốc thay đổi, không ngạc nhiên khi ngày một nhiều chính quyền tỉnh thành phố thừa nhận làm giả số liệu kinh tế để tránh bị chính quyền trung ương phạt nếu sau này bị phát hiện gian dối.
Ví như trong trường hợp của tỉnh Liêu Ninh, người ta không khỏi choáng váng khi biết chính quyền tỉnh này đã “xào nấu” số liệu thu ngân sách của tỉnh như thế nào.
Theo số liệu công bố mới nhất, số thu tài khóa của tỉnh năm 2016 giảm 110 tỷ Nhân dân tệ xuống 220 tỷ Nhân dân tệ từ mức đỉnh cao 330 tỷ Nhân dân tệ từng được công bố vào năm 2013.
Thế nhưng, cùng lúc đó, mức chi tiêu của tỉnh giảm 60 tỷ Nhân dân tệ trong khoảng thời gian trên. Việc nguồn thu của tỉnh sụt giảm đã được bù đắp lại bởi nguồn trợ cấp từ chính quyền trung ương tăng lên. Trong cùng thời gian trên, chính quyền trung ương đã tăng thêm 30 tỷ Nhân dân tệ trợ cấp cho tỉnh, tổng số tiền trợ cấp năm 2016 lên đến 190 tỷ Nhân dân tệ.
Quang Minh