Đại Kỷ Nguyên

NHNN phản ứng gì với đề xuất phá giá VND theo đà giảm mạnh của Nhân dân tệ?

Trung Quốc liên tục phá giá Nhân dân tệ gây áp lực lớn lên tiền đồng của Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng vấn đề giảm giá mạnh của đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong thời gian qua là diễn biến rất đáng lưu ý ảnh hưởng đến việc điều hành tỷ giá.

Theo Dân Việt, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề “NHNN có phá giá tiền đồng trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ đã giảm giá mạnh trong thời gian qua nhằm hỗ trợ xuất khẩu hay không?”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã lên tiếng khẳng định NHNN điều hành tỷ giá không vì một mục tiêu duy nhất nào, mà vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, việc điều hành tỷ giá phải phù hợp với cân đối vĩ mô cũng như diễn biến của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Lãnh đạo NHNN cho rằng việc đồng Nhân dân tệ giảm mạnh trong thời gian gần đây là diễn biến đáng lưu ý ảnh hưởng đến điều hành, không chỉ của NHNN Việt Nam mà còn của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới.

Do Việt Nam là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, nên trong điều hành tỷ giá, NHNN không chỉ nhìn vào một đồng tiền mà phải quan sát diễn biến của các đồng tiền khác.

Từ ngày 1/1/2016, NHNN đã điều hành tỷ giá trung tâm theo cách mới dựa trên các yếu tố gồm: diễn biến thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của ngày hôm trước; diễn biến của các đồng tiền của các nước đối tác thương mại và đầu tư chủ yếu của Việt Nam. Đồng Nhân dân tệ cũng nằm trong giỏ các đồng tiền NHNN tính toán để xác định tỷ giá trung tâm hàng ngày, đặc biệt là phải đảm bảo phù hợp các cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường tiền tệ.

Lãnh đạo NHNN cho biết tỷ giá trung tâm của Việt Nam ngày 1/8 tăng 1,1% so với thời điểm cuối năm 2017. Với biên độ dao động cho phép là 3%, tỷ giá liên ngân hàng ngày 1/8 tăng 2,5% so với cuối năm trước đó. Đây là diễn biến nằm trong tầm kiểm soát của NHNN, phù hợp với diễn biến của các đồng tiền trên thế giới và trong khu vực.

Theo Vnexpress, thực tế việc đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh càng kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh rủi ro tỷ giá, cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn đầu tư gián tiếp. Ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc thời gian gần đây cũng tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam trước sự ổn định của đồng VND, đặc biệt là để tránh các hàng rào thuế quan trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra.

Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã thu hút 1.366 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 11,8 tỷ USD. Trung Quốc đã vươn lên xếp thứ 6 trong số các quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam với vốn đầu tư 328 triệu USD.

Tuy nhiên, dòng vốn này có thể bị chững lại nếu đồng VND không thể duy trì sự ổn định. Phá giá tiền đồng tương ứng với với mức giảm giá mạnh của Nhân dân tệ có thể tránh thiệt hại quá lớn về thương mại, nhưng động thái này có thể trở thành rào cản ngăn dòng vốn FDI đang dịch chuyển vào Việt Nam, từ đó vô tình “cứu” Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, đồng thời cũng đẩy Việt Nam rơi vào vòng xoáy cuộc chiến tiền tệ.

Ngoài ra, do đặc thù xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng rất ít, vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nên phá giá tiền đồng không mang lại lợi ích nhiều cho xuất khẩu như các lý thuyết kinh tế đã chỉ ra.

Vỹ An

Exit mobile version