Black Friday – một trong những ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm, trước đây chỉ phổ biến ở các nước phương Tây, nhưng nay đã được du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, những “bí mật đen tối” về ngày siêu giảm giá này sẽ khiến không ít người ngã ngửa.
Những năm gần đây, người tiêu dùng rất háo hức hức chờ đón ngày hội mua sắm lớn nhất năm. Hàng triệu người trên toàn thế giới trong dịp Black Friday sẵn sàng vét sạch túi tiền đổ đi mua sắm hàng hóa với mức giá giảm 30-50%, thậm chí có nơi giảm tới 80%.
Tuy nhiên, đằng sau chiến dịch giảm giá hấp dẫn ấy là những sự thật ít được các cửa hàng tiết lộ.
Theo phát hiện của Wall Street Journal, rất nhiều sản phẩm giảm giá đã được tăng giá 8% trước dịp Black Friday. Riêng những mặt hàng như đồ chơi và dụng cụ sẽ đội giá lên 23%. Đây chính là lý do các hãng giảm giá khủng nhưng vẫn có lãi lớn.
CNN và Forbes thì cho hay các hãng bán lẻ lớn thường bán hàng điện tử “đặc biệt”, được sản xuất bởi thương hiệu lớn chỉ dành riêng cho dịp Black Friday và đương nhiên những món đồ này có chất lượng thấp hơn bình thường.
Đáng chú ý, trong dịp Black Friday, nhiều nhà bán lẻ còn đặt hàng nhà sản xuất cả TV với giá khuyến mãi cực kỳ hấp dẫn cho kiểu dáng y hệt các dòng sản phẩm thường thấy. Thế nhưng, chúng thường có chất lượng màn hình kém hơn hoặc thiếu những tính năng nổi bật.
Theo một số nhân viên bán hàng, quần áo bán trong ngày Black Friday thường đã bị khoảng vài chục người mặc thử trước khi được bạn mua. Bên cạnh đó, những mặt hàng giảm giá lên tới 70% chủ yếu là hàng tồn, lỗi mốt, nhập cả năm về nhưng chưa bán được.
Ngoài ra, những mặt hàng được nhà sản xuất quảng cáo nhiều nhất thường là những sản phẩm hạn chế về số lượng. Trong một số trường hợp, những sản phẩm này sẽ được bán hết chỉ vài phút sau khi mở cửa.
Do đó, nếu không thể đến cửa hàng sớm, xếp hàng dài dưới trời gió rét, tốt nhất bạn đừng nên chạy theo những quảng cáo này. Bởi trong trường hợp bạn không mua được đúng sản phẩm mà mình cần, nhiều khả năng bạn sẽ “đốt” thêm tiền vào đống sản phẩm khác mà bạn không hề có ý định mua ban đầu.
Đó chính là một trong những chiêu móc sạch tiền trong ví của người tiêu dùng được các nhà bán lẻ áp dụng vào ngày Black Friday hàng năm.
Tại Việt Nam, hưởng ứng phong trào giảm giá Black Friday, từ ngày 22/11, rất nhiều cửa hàng, shop thời trang TP. HCM và Hà Nội đã trưng bảng giảm giá khủng. Những băng-rôn đỏ chói gây ấn tượng mạnh khiến khách hàng khó có thể bỏ qua. Nhiều cửa hàng cho hay họ không chỉ khuyến mãi trong ngày chính là thứ Sáu ngày 23/11 mà còn tiếp tục áp dụng chương trình đến hết ngày 25/11.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng không còn hào hứng mua sắm trong ngày này, bởi người mua thực tế không được khuyến mại nhiều như quảng cáo.
Chia sẻ trên Tiền Phong, chị Mai ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Năm ngoái tôi mua chiếc váy len thương hiệu Zaza vào ngày Back Friday được giảm đến 30% so với giá gốc, nhưng chỉ giặt qua 1 lần chiếc váy đã bị hỏng. Năm nay, tôi không hào hứng việc mua sắm trong ngày này nữa, bởi tưởng rẻ hóa đắt”.
Cũng theo chia sẻ của nhiều khách hàng mua sắm vào ngày này năm ngoái, đa phần các cửa hàng giảm giá, khuyến mại mặt hàng thời trang lỗi mốt.
Theo đánh giá của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã hưởng ứng sự kiện như Black Friday rất tích cực, đánh dấu một trong những sự kiện mua sắm, giảm giá lớn trong năm.
Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, trong và sau ngày Black Friday, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đã bị xâm phạm khi nhiều người mua phải hàng hóa, dịch vụ với giá cả cao nhưng chất lượng kém, hay bị lừa mua hàng bởi các thông tin có tính dụ dỗ, lừa dối, chế độ bảo hành không như cam kết…
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia thị trường Đoàn Đình Hùng khuyến cáo người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những quảng cáo giảm giá “khủng” mà các cửa hàng quảng cáo trong dịp Black Friday. Đối với sản phẩm giảm giá là hàng thời trang, người mua cần xem kỹ các lỗi hay gặp như sờn rách, lỗi đường may, ra màu… Với hàng điện tử cần nói “không” với các sản phẩm bị móp, hoặc từng bị lỗi phần cứng. Tương tự, mua mỹ phẩm giảm giá cần đặc biệt chú ý hạn sử dụng trên bao bì, bao bì không bị nhàu nát…
(Tổng hợp)