Đại Kỷ Nguyên

Nợ công ‘chìm’ của Trung Quốc có thể lên tới 6.000 tỷ USD

Nhiều chuyên gia cho rằng tổng nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc có thể cao gấp vài lần so với con số được công bố chính thức.

Theo báo cáo của hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings của Mỹ, tổng nợ không được báo cáo của các chính quyền địa phương Trung Quốc lên tới 6.000 tỷ USD.

Con số này cao gấp 2,4 lần so với tổng nợ mà Bộ Tài chính Trung Quốc công bố hồi tháng 8 là 2.500 tỷ USD.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã thừa nhận sự tồn tại của nợ “chìm” và đang cố gắng kiềm chế các địa phương nước này vay nợ.

“Khoản nợ gần 6.000 tỷ USD chính là ‘tảng băng chìm’ và rủi ro tín dụng của nền kinh tế Trung Quốc là ‘tàu Titanic’. Ước tính tỷ trọng nợ của chính phủ Trung Quốc trong năm 2017 đã tương đương 60% GDP”, chuyên gia phân tích Gloria Lu cho biết.

Các chuyên gia nhận định số nợ khổng lồ trên đều đến từ “công ty tài chính địa phương” (LGFV).

Theo luật pháp Trung Quốc, từ năm 1994, chính quyền các tỉnh và thành phố đã không được phép phát hành trái phiếu hay vay tiền trực tiếp từ ngân hàng. Trong khi đó, ngân sách đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng lại hạn hẹp. Điều này khiến chính quyền các địa phương Trung Quốc lập ra một định chế gọi là công ty tài chính địa phương.

Chức năng của các LGFV là giúp chính quyền địa phương huy động vốn chủ yếu phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng như xây dựng các công trình xử lý nước thải, đường tầu điện ngầm… thông qua phát hành trái phiếu hay vay nợ với tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản.

Vì vậy, LGFV được xem là phương tiện cấp vốn cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nợ của các LGFV chiếm khoảng 15-25% số nợ xấu. Điều đó không khác gì nguồn thu ngân sách của các địa phương là từ bán đất, từ đó hiện tượng thất thoát tài chính không thể kiểm soát.

Khoản nợ “chìm” 6.000 tỷ USD đang rơi vào vùng báo động khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang có nhiều dấu hiệu trì trệ, đặc biệt khi cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng leo thang khiến chính quyền Bắc Kinh phải chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng bằng cách đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, báo cáo của S&P chỉ rõ các phương án nhằm làm giảm khoản nợ này hiện vẫn được áp dụng khá hạn chế. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể phải cần thêm ít nhất 10 năm nữa để giải quyết những khoản nợ “chìm” từ chính quyền địa phương.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)

Exit mobile version