Đại Kỷ Nguyên

Nợ nần và ô nhiễm đang gây áp lực lên kinh tế Trung Quốc

Áp lực nợ nần và ô nhiễm đè nặng kinh tế Trung Quốc. (Nguồn ảnh; sott.net)

Một loạt số liệu dự kiến được công bố trong những tuần tới khả năng sẽ cho thấy kinh tế Trung Quốc trong tháng 11 đã chịu áp lực ngày càng lớn từ việc kiểm soát những ngành công nghiệp gây ô nhiễm và rủi ro tài chính.

Theo hãng tin Reuters, trong Đại hội Đảng vào tháng 10 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh Bắc Kinh cam kết tập trung nhiều hơn vào các khoản đầu tư chất lượng và cân bằng tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh những nỗ lực đóng cửa các nhà máy ở một số khu vực để giảm tình trạng khói bụi vào mùa đông, chính quyền Bắc Kinh đã tiết lộ một số biện pháp quản lý mới cho khu vực tài chính, kiềm soát những khoản vay rủi ro cao và cho dừng một số dự án cơ sở hạ tầng đáng ngờ làm gia tăng nợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, giới quan sát Trung Quốc lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ xảy ra sau những biện pháp mang tính trấn áp này.

Tình trạng ô nhiễm môi trường là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Tinhhoa.net)

Các chuyên gia kinh tế tin rằng những biện pháp này sẽ làm giảm nhẹ tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong quý IV xuống còn khoảng 6,7% sau khi có dự báo tăng trưởng đạt mức 6,9% trong 9 tháng đầu năm.

Kết quả khảo sát 23 chuyên gia kinh tế của Reuters cho thấy tăng trưởng sản lượng của các nhà máy trong tháng 11 đã giảm xuống 6% so với mức 6,2% của tháng 10.

Tuy nhiên, những dự báo đã thay đổi khá nhiều sau những biện pháp kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễm của Trung Quốc. Kết quả, một số nhà máy thép ở miền Nam được cho là đã tăng sản lượng để chiếm thị phần vì các đối tác của họ ở miền Bắc phải cắt giảm sản xuất.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng đang chững lại dưới sự quản lý gắt gao của chính phủ. Song, giới phân tích nhận định không có nguy cơ suy thoái kinh tế trầm trọng vào thời điểm này do ngành công nghệ và dịch vụ đang phát triển mạnh giúp bù đắp phần lớn sự sụt giảm các các ngành công nghiệp.

Điều đáng chú ý là những rủi ro từ bên ngoài đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể sớm bùng nổ trở lại khi lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ không ngừng gia tăng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh giảm thặng dư thương mại song phương và các vấn đề chính trị liên quan đến khủng hoảng Triều Tiên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ thương mại Mỹ – Trung.

Nguyễn Trang

Exit mobile version