Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn ở tỉnh Đồng Tháp như ngồi trên đống lửa khi hàng trăm ha quýt hồng, quýt đường, cam xoàn lũ lượt “rủ nhau” chết.
Các xã Vĩnh Thới, Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước thuộc huyện Lai Vung là những nơi chuyên canh quýt đường và quýt hồng nổi tiếng ở tỉnh Đồng Tháp. Đây là loại cây cho hiệu quả kinh tế rất cao, giúp nhiều hộ vươn lên khá giả. Tuy nhiên, dịch bệnh hoành hành đã đe dọa đến các vườn quýt, khiến nhiều người trồng lâm vào cảnh lao đao.
Chia sẻ trên Tuổi trẻ, chị Hiếu ở xã Tân Thành cho biết gia đình chị vừa đốn trụi gần 2 công (tương đương khoảng 2.000 m2) quýt đường 5 năm tuổi do cây bị nhiễm bệnh chết hàng loạt.
Theo chị Hiếu, vườn quýt của gia đình đã bị nhiễm bệnh được mấy tháng. Gia đình chị đã cố gắng chăm sóc với hy vọng cứu được, nhưng càng cứu càng lỗ nặng. Cuối cùng, chị quyết định chặt bỏ để trồng cây khác.
Cùng chung cảnh ngộ, bà Lệ ở xã Tân Phước cho hay gia đình bà trồng hơn 4.000 m2 quýt đã gần 4 năm. Đây là nguồn thu chính của gia đình. Khi phát hiện vườn quýt bị nhiễm bệnh vàng lá, bà mua thuốc về trị. Tuy nhiên, càng trị thì bệnh lây lan càng nhiều. Hiện khoảng 2/3 diện tích vườn quýt bị bệnh vàng lá, phải đốn bỏ.
Chia sẻ trên Người lao động, ông Đảo ở xã Tân Phước than thở gia đình ông có hơn 8.500 m2 trồng quýt hồng, quýt đường. Hiện hơn 80% diện tích vườn quýt nhà ông bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung, toàn huyện hiện có khoảng 6.700 ha trồng cây có múi, trong đó cam, quýt khoảng 5.240 ha. Thời gian qua, do dịch bệnh hơn 260 ha cam, quýt chết, gây thiệt hại rất lớn cho các nhà vườn.
Nhà vườn bón quá nhiều phân đạm, làm rễ non yếu, giảm sức chống chịu trong điều kiện độ pH rất thấp nên nhện phát triển mạnh, tấn công bộ rễ, sau đó bội nhiễm nấm Phytophthora, Fusarium là những nguyên nhân làm chết cây.
Để phòng trị bệnh, Phòng NN&PTNT khuyến cáo nhà vườn bón vôi để cải thiện độ pH, và bón phân cân đối nhất là đạm để giúp cây ổn định sinh trưởng. Giải pháp lâu dài sẽ xây dựng vườn quýt kiểu mẫu, áp dụng quy trình canh tác chuẩn để nhà vườn tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
(Tổng hợp)