“Đề nghị đưa nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống, trong đó có cải lương, là nghệ thuật phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để có chính sách đầu tư phát triển”, NSND Lê Tiến Thọ – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nói.
Ngày 28/4, hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam – Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” diễn ra tại Tp.HCM. Hội thảo bàn luận những vấn đề, khó khăn mà cải lương đang gặp phải và đề xuất giải pháp cũng như định hướng phát triển cho bộ môn này trong tương lai.
Tại buổi hội thảo, các nghệ sĩ, nhà chuyên môn lần lượt chỉ ra những khó khăn mà cải lương đang gặp phải cũng như những giải pháp thiết yếu cho rằng cải lương cần có thêm nhiều kịch bản mới; cách dàn dựng, mỹ thuật thiết kế sân khấu phải có thêm những cải tiến; cơ sở vật chất, chính sách cho cải lương phải được đầu tư hơn…
NSND Lê Tiến Thọ – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam – nhận định cải lương hiện đang ở khúc quanh co đầy khó khăn của cơ chế thị trường, của sự bùng nổ thông tin và cạnh tranh khốc liệt.
Ông đề nghị: “Luật Di sản ra đời đã lâu nhưng chưa tác động tới nghệ thuật biểu diễn. Đề nghị đưa nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống, trong đó có cải lương, là nghệ thuật phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để có chính sách đầu tư phát triển”.
NSND Lê Tiến Thọ cũng khẳng định tầm quan trọng của việc đào tạo thế hệ trẻ kế thừa. Ông cho rằng cần thường xuyên tổ chức sân khấu học đường, đưa cải lương vào trường học để học sinh am hiểu, đồng thời tổ chức truyền dạy, biểu diễn trích đoạn của nghệ thuật cải lương.
Trong khi đó, PGS -TS Nguyễn Thế Kỷ – Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Tổng giám đốc Đài tiếng nói VN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư – nhấn mạnh: “Cần triển khai một công trình chuyên biệt nghiên cứu đầy đủ về cải lương, vạch ra những chiến lược phát triển trong tương lai. Chú ý việc định hướng thẩm mỹ về thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ, nghiên cứu đưa cải lương vào chương trình sân khấu học đường”.
Yến Yến