Trong thập kỷ qua, một dòng tiền lãi suất thấp ào ào chảy vào các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, tình thế bây giờ lại đang đảo ngược.
Lãi suất tăng cùng với các cuộc chiến thương mại đã châm ngòi cho sự bế tắc của một số thị trường mới nổi. Đồng Lira của Thổ Nhì Kỳ và đồng Peso của Argentina đang mất giá mạnh, trong khi chứng khoán Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong “thị trường con gấu”.
Những vấn đề tiêu cực lâu nay ẩn giấu dưới lớp mặt nạ của chương trình lãi suất thấp hiện đang lộ ra và thu hút sự chú ý.
“Thủy triều…đang rút và một số nước đang và sẽ bị ‘lộ tẩy’”, chiến lược gia Jason Daw tại công ty dịch vụ tài chính lớn nhất châu Âu Societe Generale chia sẻ.
Những quốc gia đang phát triển có thể sẽ chưa được sớm được “bình an” khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Động thái này của FED thể hiện kinh tế Mỹ đang mạnh, theo đó sẽ thúc đẩy chứng khoán Mỹ tăng điểm.
Tuy nhiên, sự chấm dứt của chương trình cho vay lãi suất thấp cùng với sự gia tăng trong căng thẳng thương mại đang gây ra những cơn “đau đầu” nghiêm trọng tại nhiều nơi trên thế giới.
Tỷ giá đồng USD tăng khiến các quốc gia nợ nước ngoài hàng tỷ USD như Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó. Hơn nữa, lãi suất tăng cũng khiến giới đầu tư đem tiền trở lại Mỹ.
Nhưng không phải tất cả các thị trường mới nổi đều bị “rỉ máu” như nhau. Một số quốc gia như Hàn Quốc và Thái Lan dường như đang phong tỏa sức ảnh hưởng của “cơn bão” tương đối tốt. Đây là một thay đổi lớn so với hai thập kỷ trước khi cuộc khủng hoàng tài chính châu Á bắt nguồn từ chính sự đổ vỡ của đồng Baht Thái Lan.
Những quốc gia khác, như Thổ Nhĩ Kỳ, đang bị chao đảo. Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tăng lãi suất lên 60% để ngăn đồng Lira bị bán tháo. Ngân hàng trung ương Nga cũng gây ngạc nhiên khi lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ năm 2014 vào ngày 14/7. Còn ngân hàng trung ương Nam Phi cũng đang xem xét đến việc nâng lãi suất.
Chiến lược gia Jason Daw cho rằng những nền kinh tế dễ bị tổn thương đều có một số điểm chung. Đầu tiên là họ đều có đống nợ lớn bằng đồng USD và phần lớn trong số đó đã đến hạn trả nợ. Thứ hai là những nền kinh tế đó có mức nợ cao trong khi các quỹ tiết kiệm ngày càng thấp. Và những thị trường mới nổi này đang bị thâm hụt ngân sách và thương mại rất lớn.
Vậy những quốc gia nào nằm trong nhóm dễ bị tổn thương?
Ông Daw cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Malaysia, Ấn Độ và Indonesia là những nền kinh tế nằm trong nhóm này.
“Những sai lầm của việc phân bổ vốn sau một thập kỷ vay tiền với lãi suất thấp đang bắt đầu bị phơi bày”, ông Daw nói.
Nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng một số quốc gia đang phát triển hiện đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng lớn. Tình trạng mong manh của hệ thống tài chính các nước này rất dễ trở thành miếng mồi ngon cho những nhà đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận thông qua các thương vụ bán khống tiền tệ quy mô lớn.
Nếu chỉ nhìn qua, có vẻ vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina chỉ là những trường hợp cá biệt không có tính hệ thống, nhưng nếu kết hợp các dấu hiệu suy thoái rõ rệt tại nhiều nước mới nổi khác như Nam Phi hay Nga, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc, có thể tạo hiệu ứng lan tỏa tạo khủng hoảng với dòng tiền toàn cầu.
Trong số các nước bị cảnh báo có rủi ro cao, đồng Rand của Nam Phi cũng mất giá tới 18,8%, đồng Rupee của Pakistan giảm 10,3%, đồng Rupee của Sri Lanka giảm 5,5% kể từ đầu năm 2018.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây hoảng loạn cho thị trường khi đồng Lira mất giá tới 41% so với đồng USD kể từ đầu năm.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)