Đại Kỷ Nguyên

Ồ ạt gia tăng diện tích, nhiều nông sản miền Tây rớt giá thảm hại

Nhiều người dân ở Kiên Giang méo mặt vì chuối rớt giá còn 2.000 đồng/nải. (Ảnh: Người lao động)

Liên tục tăng “nóng” diện tích đất trồng và quá phụ thuộc vào thương lái, nhiều hộ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long rơi vào tình cảnh khốn đốn khi hàng loạt nông sản vào chính vụ rớt giá thê thảm.

Theo Người lao động, những vụ trước, giá chuối xiêm tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang được thương lái vào tận vườn thu mua với giá 4.000-6.000 đồng/nải. Thấy lợi nhuận từ cây chuối khá cao, nhiều hộ dân ở xã An Minh Bắc đua nhau mở rộng diện tích trồng chuối.

Tuy nhiên, chưa kịp thu lời từ cây chuối thì người dân nơi đây đã phải nếm “trái đắng” khi giá chuối liên tục giảm sâu từ sau Tết Nguyên đán đến nay, xuống mức 2.000 đồng/nải.

Ông Nguyễn Văn Phương ở xã An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng) có 4 ha chuối xiêm. Ông cho biết trước đây mỗi tháng gia đình ông thu nhập khoảng 80 triệu đồng từ vườn chuối nhưng giờ giá chuối giảm hơn 50% so với vụ thu hoạch trước. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí chăm sóc, thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển thì không còn lợi nhuận.

Cũng tại huyện U Minh Thượng, nhiều hộ trồng mía đang khóc ròng vì giá mía nguyên liệu tuột dốc không phanh.

Ông Nguyễn Văn Trường ở xã Minh Thuận cho biết năm 2017 giá mía nguyên liệu đạt gần 1.000 đồng/kg nên ông và người em ruột quyết định góp vốn trồng 4 ha mía. Thế nhưng, đến khi mía cho thu hoạch, giá lại liên tục giảm và đến nay chỉ còn 400 đồng/kg.

Đáng chú ý, đất ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng trước đây trồng lúa nhưng năng suất thấp nên người dân bỏ cây lúa để chuyển sang trồng mía hoặc dứa. Song, nghịch lý là vừa bỏ cây lúa thì giá lúa lên cao, trong khi mía và dứa lại rớt giá thảm hại. Tiền bán mía không bằng tiền thuê nhân công thu hoạch nên nhiều hộ bỏ mía chết khô.

Ngoài chuối, mía, dứa, một số loại trái cây khác của nhà vườn ĐBSCL cũng đang rớt giá thê thảm khiến nhà nông không khỏi bàng hoàng. Riêng tại Cần Thơ, giá mít Thái từ mức 45.000-50.000 đồng/kg thời điểm sau Tết nguyên đán, nay chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg. Chôm chôm bán lẻ ra thị trường chỉ còn 20.000-22.000 đồng/kg; thanh long 10.000 đồng/3 kg…

Ngoài việc người dân đua nhau tăng “nóng” diện tích cây trồng đang “sốt giá” khiến giá nhiều loại nông sản rớt thê thảm, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho rằng thêm một nguyên nhân khác là do tại địa phương chưa có doanh nghiệp lớn nào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Hiện tại, nông dân chủ yếu bán nông sản cho thương lái nên dễ bị ép giá. Đây cũng chính là thực trạng chung của nông sản Việt Nam.

Thực tế, chuyện sản xuất chạy theo giá cả thị trường, theo phong trào đã kéo dài hàng chục năm chứ không phải ngày một ngày hai và bài học “vỡ trận” do ồ ạt tăng diện tích trồng trọt cũng không đếm xuể. Tuy nhiên, nhiều nông dân lại dễ bị cuốn theo tâm lý đám đông, kiếm lời trước mắt với hy vọng mơ hồ sẽ tránh được rủi ro.

Thanh niên dẫn lời Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng nông dân Việt Nam là những người tự do nhất thế giới, sản xuất không có kế hoạch và cũng không ai quản lý, lập kế hoạch cho họ, dẫn đến hình thành tâm lý sản xuất chạy theo thị trường. Hậu quả là nông sản Việt Nam cứ được mùa lại rơi vào cảnh rớt giá vì bí đầu ra và cuối cùng là kêu gọi giải cứu.

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, một thương nhân buôn bán nông sản với Trung Quốc, nông sản Việt thụ động, không biết ra chợ bán hàng mà chỉ ngồi nhà chờ thương lái đến hỏi mua. Từ đó dẫn đến thực trạng các loại nông sản khi vào chính vụ thu hoạch rất dễ bị thương lái ép giá.

Bà Thực cho rằng Việt Nam mới chỉ làm tốt ở khâu nguyên liệu và nếu muốn dẫn dắt thị trường thì người Việt cần dẫn dắt cả khâu sản xuất. Điển hình như Trung Quốc – thị trường lớn về tiêu dùng – họ biết cách chế biến và xuất đi khắp các nước và họ sẵn sàng đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam quan tâm cung ứng thì bỏ lỡ các khâu khác.

Vỹ An

Exit mobile version