Lượng ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam giảm gần 80% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm nay, sau khi Nghị định 116 có hiệu lực. Các nhà sản xuất ô tô đã gửi kiến nghị tháo gỡ khó khăn, nhưng Bộ Giao thông vẫn cho rằng không còn vướng mắc gì.
Nghị định 116/2017 của Chính phủ và Thông tư 03/2018 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định các điều kiện kinh doanh nhập khẩu, lắp ráp ô tô tại Việt Nam được áp dụng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó do có những quy định được cho là khá khắt khe.
Theo trang tin PLO, Bộ GTVT mới đây đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ giải trình rằng sau khi Nghị định 116 và Thông tư 03 được ban hành, phía Mỹ và một số hiệp hội nước ngoài đã nêu ra một số bất cập, khó khăn. Các hãng xe cho rằng yêu cầu phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô và kiểm tra theo lô có nhiều bất hợp lý.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết nhiều hãng xe lớn như Honda, General Motor, Toyota, Mitsubishi, BMW hay Mercedes đã tập hợp được loại giấy chứng nhận trên cho xe nhập khẩu, phù hợp với quy định hiện hành và đã nhập xe từ các thị trường khác Mỹ về thị trường Việt Nam.
“Đến nay các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã không còn gặp vướng mắc liên quan đến giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô,” Bộ GTVT khẳng định, cho biết các dòng xe nhập từ nhiều nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Đức và một số quốc gia châu Âu cũng đã nhập khẩu được về Việt Nam mà không gặp khó khăn, vướng mắc gì.
Liên quan đến kiến nghị kiểm tra xe theo lô làm mất thời gian tới 2 tháng và chi phí tốn kém lên tới 10.000 USD, Bộ GTVT cho rằng “thông tin này chưa chính xác”, vì Nghị định 116 và Thông tư 03 quy định mỗi lô hàng ô tô nhập khẩu chỉ phải kiểm tra, thử nghiệm mẫu đại diện cho từng kiểu loại nhằm đảm bảo chất lượng, qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phản biện trước ý kiến của cơ quan quản lý, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) khẳng định những quy định của Nghị định 116 đang siết chặt việc nhập khẩu ô tô.
Bằng chứng là theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2018 Việt Nam mới nhập khẩu được hơn 9.000 ô tô nguyên chiếc các loại, giảm tới gần 80% so với cùng kỳ năm trước.
Việc nhập khẩu ô tô gặp khó vì Nghị định 116 đã khiến ngân sách bị thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, Cục Hải quan TP.HCM cho biết kim ngạch nhập khẩu ô tô các loại chỉ đạt hơn 35 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, giảm gần 274 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, dòng xe dưới 9 chỗ giảm mạnh nhất, chỉ đạt hơn 17 triệu USD, giảm hơn 10 lần so với năm trước.
Điều này khiến số thu ngân sách từ mặt hàng ô tô của TP.HCM chỉ đạt 2.000 tỷ đồng, giảm hơn 5.040 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Honda Việt Nam là hãng ô tô đầu tiên hoàn tất được các thủ tục theo Nghị định 116 và đã nhập một số xe về Việt Nam, nhưng số lượng xe nhập về ít hơn so với nhu cầu. Các đại lý cho biết phải hẹn khách giao hàng vào quý III hoặc quý IV/2018 do các thủ tục kiểm định mất rất nhiều thời gian.
Đại diện một công ty nhập khẩu ô tô tại TP.HCM cũng không đồng tình với ý kiến của Bộ GTVT khi cho rằng các quy định nhập khẩu không có vướng mắc. Ông cho rằng quy định nhà nhập khẩu ô tô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài đang làm khó người kinh doanh, bởi loại giấy này không tồn tại ở nhiều quốc gia và hiện nhiều nước cũng không cấp loại giấy này như Mỹ, Nhật và một số nước EU.
Liên quan đến thời gian và chi phí kiểm tra xe, đại diện doanh nghiệp này cho rằng một chiếc xe kiểm định thì cả lô xe phải chờ, chi phí doanh nghiệp chịu không chỉ là phí kiểm định mà là chi phí lưu kho, lưu bãi, nhân công.
PLO dẫn lời chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng cần bỏ quy định nhà nhập khẩu ô tô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, vì nó mang tính thủ tục hành chính, không cần thiết.
Những vướng mắc từ Nghị định 116 khiến ô tô nhập khẩu tiếp tục gặp khó, tạo nên sự khan hiếm nguồn cung xe và khiến giá ô tô trong nước không giảm nhiều, trong khi lẽ ra người tiêu dùng Việt Nam được mua xe giá rẻ hơn vì thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN đã được giảm về 0%.
Đại diện VAMA cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị cơ quan quản lý xem xét mở rộng khái niệm lô hàng để giảm số lượng mẫu phải kiểm tra thử nghiệm, đồng thời cho sử dụng kết quả thử nghiệm khí thải trong thời gian 6 tháng thay vì từng lô như hiện nay.
Trong một diễn biến liên quan, đại diện các hãng xe hơi cho biết nhiều mẫu xe nhập khẩu ăn khách như Toyota Fortuner hay Ford Ranger đã từng được các đại lý hứa hẹn sẽ có mặt ở Việt Nam vào tháng 6, nhưng chắc phải đến tháng 9 những mẫu xe này mới có thể bán ra tại thị trường Việt Nam.
Minh Tuệ