Đại Kỷ Nguyên

Ông chủ tiệm sách nhỏ khiến vị đại gia Sài Gòn ‘thức tỉnh’

Hơn 10 năm qua, ông Cần không chỉ mở tiệm sách miễn phí mà ông còn trở thành chuyên gia tâm lý bất đắc dĩ. Trong đó, không ít đại gia tìm đến nhờ ông khai thông những bế tắc trong cuộc sống.

(Ảnh: Zing)

Trong thời buổi mọi thứ đều được quy ra hiện kim thì cũng có những người sẵn sàng dành thời gian và công sức để phục vụ người khác miễn phí. Nhưng rồi bậc đại gia cũng phải cầu đến để giúp đỡ.

Ông Nguyễn Ngọc Cần là người như thế. Theo báo Zing, chủ nhân của tiệm sách nhỏ tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP. HCM mở tiệm chủ yếu để giao lưu, chia sẻ kiến thức về sức khỏe, Phật giáo… với mọi người. Tiệm sách mở cửa từ 15h đến 22h mỗi ngày.

(Ảnh: Zing)

Ông Cần cho biết, bạn đọc đến với tiệm sách ở mọi lứa tuổi khác nhau, trong đó nhiều nhất là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Trong hình là Tường Vân (sinh năm 1994), qua bạn bè giới thiệu, bạn đã đến tiệm sách vào ngày cuối tuần.

(Ảnh: Zing)

Với diện tích chưa đến 10m2, chủ tiệm sách phải gia tăng không gian trưng sách bằng những chiếc kệ cao ngút.

(Ảnh: Zing)

Không gian nhỏ nhưng vẫn tạo cho người đọc cảm giác dễ chịu khi tìm sách vì mọi thứ được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Ông chủ tiệm xếp sách mỗi ngày và coi đó là thú vui của mình bên cạnh việc đọc sách.

(Ảnh: Zing)

Vị trí tiệm nằm ngay ở mặt tiền đường lớn, ông Cần có thể thu nhiều tiền hơn nếu cho thuê mặt bằng. Nhưng chủ tiệm sách lại muốn tìm niềm vui tinh thần trong việc giao lưu, chia sẻ với người có đam mê nghiên cứu về sức khỏe, Phật pháp. Hơn thế, ông muốn mọi người đọc sách nhiều hơn.

(Ảnh: Zing)

Đến đây, độc giả không chỉ mua sách với giá gốc mà có thể mượn sách, đọc sách tại chỗ. Ông chủ tiệm sách cũng thoải mái, không đặt nặng chuyện khách mượn sách quên không mang trả nên suốt thời gian qua, ông cho mượn sách mà không yêu cầu khách đặt tiền cọc.

(Ảnh: Zing)

Cảm kích trước tấm lòng của ông Cần, nhiều người đã mang sách tới tặng như muốn góp phần cùng ông làm việc ý nghĩa. Trong hình là chị Lan Phương (Bình Thạnh) có con thường xuyên đến tiệm sách đọc nên chị mang sách tặng tiệm.

Từ ngày mở tiệm sách, ông Cần có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người.

(Ảnh: Zing)

Báo Vietnamnet đưa tin, cũng từ ngày mở tiệm sách, ông Cần có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người. Không chỉ đến mượn sách, họ còn hỏi han, trò chuyện, coi ông như một người thân quen để trút bầu tâm sự. Vì vậy, nhiều khi ông trở thành chuyên gia tâm lý bất đắc dĩ.

Trong đó, cách đây không lâu, vì bế tắc trong cuộc sống, một đại gia ở TP. HCM tìm đến tiệm sách của ông khiến ông nhớ mãi.

Ông kể, anh này có đầy đủ cả tiền tài lẫn địa vị nhưng suốt những năm qua, anh không hề cảm thấy hạnh phúc. Anh mải miết chạy theo ma lực của đồng tiền, không quan tâm đến vợ con. Người đàn ông này luôn nghĩ rằng chỉ có tiền bạc mới khiến anh và vợ con được sống trong sự sung túc và hạnh phúc.

Thế nhưng, anh không ngờ rằng, có tiền bạc, vợ con anh rơi vào ăn chơi sa đọa, họ càng xa lánh chính anh. Dần dần, anh cũng trở nên mệt mỏi và bế tắc trước cuộc sống. Anh thấy cô đơn trong ngôi nhà của chính mình.

Sau khi nghe câu chuyện trên, ông Cần chia sẻ và tháo gỡ những khúc mắc đang tồn tại trong lòng vị khách. Theo ông, anh đã quá xem trọng tiền bạc mà không coi trọng đến cảm nhận và suy nghĩ của mọi người trong gia đình.

Phòng riêng của ông nằm ở tầng 2 vốn đã nhỏ, càng nhỏ hơn vì có rất nhiều sách. (Ảnh: Zing)

Vợ con anh cần ở người chồng, người cha sự yêu thương đúng cách. Hơn hết, vị khách này quên mất rằng, đôi khi chỉ có tiền bạc thôi chưa đủ để mang lại hạnh phúc trong cuộc sống.

Sau đó, ông Cần chọn cho người đàn ông này khá nhiều sách về triết lý của nhà Phật để mang về đọc. Về sau, vị đại gia tìm đến với vẻ mặt tươi tỉnh và cảm ơn ông vì những lời khuyên bổ ích.

Ở tuổi 65, cuộc sống của ông Cần luôn vui vẻ. Ông chia sẻ, với ông bây giờ quan trọng là được làm điều mình thích và có ý nghĩa.

Ông vẫn luôn trăn trở: “Hiện nay, thiết bị công nghệ hầu như chiếm hết thời gian của thế hệ trẻ, văn hóa đọc ngày càng đi xuống. Tôi mong các bạn trẻ tiếp cận với sách nhiều hơn. Nhờ đó, các bạn có những vốn kiến thức sâu rộng áp dụng vào trong cuộc sống. Tôi luôn hi vọng giới trẻ sẽ phục hồi dần niềm đam mê đọc sách”.

Khắc Ân (tổng hợp)

Exit mobile version