Cứ vào giờ ra chơi, học sinh lại ùa ra sân trường, tìm đến ống quyển nhựa treo trên tán cây phượng, cây bàng, lựa cho mình một cuốn truyện, sách, báo, rồi ngồi chăm chú đọc. Ý tưởng Thư viện xanh thú vị này của Tiểu học Kỳ Sơn (Hà Tĩnh) đang được nhiều trường áp dụng, giúp trò nuôi dưỡng, ươm mầm văn hóa đọc.
Trong khuôn viên sạch sẽ, thoáng đãng của Tiểu học Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thầy giáo Phan Duy Dương – Hiệu trưởng kể với Báo Lao Động, tình cờ một lần xem tivi, thầy biết đến mô hình Thư viện xanh, bỏ sách vào chai nhựa rồi treo trên các nhánh cây. Thấy ý tưởng sáng tạo, thầy quyết định hiện thực hóa thư viện độc đáo này từ năm 2013. Khi đó, trường có gần 700 học sinh, nhưng phòng đọc chỉ đủ phục vụ cho khoảng 30 em.
Thầy Dương kể: “Tôi thấy không gian trường học là nơi có thể hồi sinh văn hóa đọc, nên thiết kế xây dựng một hình thức thư viện mở gắn với không gian cây xanh, kích thích tò mò, khơi gợi hứng thú đọc sách cho học sinh”.
Nhà trường đã cắt nhỏ ống nhựa với kích thước đủ cho vừa cuốn truyện tranh, sách, báo, tạp chí… Sau đó dán giấy màu xung quanh các ống cho hấp dẫn và đánh số thứ tự rồi treo lên cây. Những ống quyển treo vừa tầm tay và nắp ống nằm phía dưới thuận tiện cho học sinh lấy sách.
Mỗi cây xanh là thư viện thu nhỏ với từng chủ đề khác nhau (toán tuổi thơ, văn tuổi thơ, nhi đồng chăm học, an toàn giao thông, truyện tranh….). Để học trò dễ dàng lựa chọn sách báo, nhà trường làm một bảng lớn ghi tên đầu sách và đặt ở cây nào, ống số mấy.
Theo Báo Giáo Dục Và Thời Đại, để thư viện hoạt động hiệu quả, nhà trường phát cho mỗi em một quyển vở để ghi rõ thông tin như tuần này đã đọc quyển sách, báo nào? Thích nhất là nhân vật nào? Vì sao? Nêu cảm nghĩ sau khi đọc xong câu chuyện đó… Hằng tháng, học sinh nộp lại nhật ký, các bài hay sẽ được đọc, khen thưởng.
Sau nhiều năm thư viện xanh đi vào hoạt động, mô hình này đã giúp các em phát huy sự sáng tạo, khơi dậy niềm yêu thích đọc sách, nuôi dưỡng sự thân thiện cởi mở giữa thầy, trò và trường lớp lại với nhau.
Em Nguyễn Vũ Sơn Mai (lớp 4A) hào hứng kể: “Từ khi thư viện xanh của nhà trường đi vào hoạt động, em và các bạn đã có điều kiện được đọc những cuốn sách mà mình yêu thích. Em cảm thấy rất vui và thoải mái khi được đọc sách dưới những gốc cây xanh mát”.
Tương tự ý kiến của Mai, học sinh Dương Thị Hồng Phương (lớp 5B) và Nguyễn Thị Tú Anh (lớp 5C) tỏ ra thích thú với mô hình này. Ống quyển treo dưới cây sinh động như những trái mướp.
“Sách để trong ống quyển gợi trí tò mò của chúng em, được nhiều bạn yêu thích” – Hồng Phương nói.
Mặc dù sau mỗi trận bão, thư viện xanh bị thiệt hại không ít, nhà trường lại nhanh chóng khắc phục để không làm gián đoạn việc đọc của học trò. Bên cạnh đó, trường còn có Câu lạc bộ Dân ca ví giặm để các em thư giãn sau những buổi học căng thẳng trên lớp.
Không chỉ có ở Hà Tĩnh, Thư viện xanh đang được nhân rộng ở nhiều tỉnh trên cả nước. Đơn cử là Tiểu học và THCS Ia Kreng (xã Ia Kreng, Gia Lai) – nơi có gần 100% là học sinh dân tộc thiểu số.
Thầy Phạm Duy Hán – Hiệu trưởng nhà trường cho Báo Gia Lai biết, năm học 2015-2016, nhà trường bắt tay vào xây dựng cải tạo sân trường, trồng cây xanh, xin sách, báo cũ… Cứ thế, Thư viện xanh dần hoàn thiện.
Tại Trường Tiểu học Ia Nhin (xã Ia Nhin) Thư viện xanh mới được xây dựng từ đầu năm học 2017-2018 nhưng kết quả khá ấn tượng. Thư viện đáp ứng nhu cầu đọc sách của hơn 600 học sinh toàn trường. Thậm chí, các em ở điểm trường làng cũng tới đây tìm sách đọc.
Hiện nay, khi văn hóa đọc, đặc biệt là văn hóa đọc học đường ngày càng bị mai một thì việc xây dựng những Thư viện xanh như ở Tiểu học Kỳ Sơn, Ia Kreng, Ia Nhin… sẽ khơi nguồn đam mê và nuôi dưỡng văn hóa đọc cho học sinh ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Thiên An (Tổng hợp)